Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường ASEAN đang chậm lại
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại Malaysia, Thái Lan, Campuchia - 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN đang có xu hướng chậm lại.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), ước tính 6 tháng đầu năm 2014, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam với khu vực Đông Nam Á đạt xấp xỉ 20,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2013.
Tỉ lệ tăng trưởng này thấp hơn mức tăng 13,2% của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới.
Do tốc độ tăng kim ngạch thấp hơn nên giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Đông Nam Á góp vào tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2014 giảm xuống mức 14,69% (cùng kỳ năm ngoái 16,05%).
Xuất khẩu hàng hoá sang khu vực Đông Nam Á tăng thấp, ước 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đạt 9,42 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đông Nam Á trong 6 tháng 2014 chiếm tỉ trọng 29% tổng xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực CA-TBD.
Như vậy, ước 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Đông Nam Á mới chỉ đạt 45% kế hoạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam đối với khu vực này (xấp xỉ 21 tỉ USD).
Nguyên nhân tăng trưởng thấp là do giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường Malaysia (giảm 21%) và Campuchia (15%) và tốc độ tăng trưởng chậm trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan (4%).
Malaysia, Thái Lan, Campuchia đều là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là đối tác xuất khẩu lớn thứ nhất, thứ hai và thứ năm của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á .
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực vẫn còn duy trì được, mặc dù với tốc độ chậm, là nhờ vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mạnh ở các thị trường nhỏ như Brunei (431%), Myanmar (63%), Đông Timo (90%) và tăng trưởng khá cao ở các thị trường Philippines (36%), Singapore (25%), Indonesia (17%).
Đối với hoạt động nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 10,4% tổng nhập khẩu của cả nước.
Theo ước tính, tổng kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN trong 6 tháng đầu năm nay chiếm 16% tổng nhập khẩu của Việt Nam, giảm so với mức 17,13% của 6 tháng năm 2013.
Về cán cân thương mại, ước tính nửa đầu năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đạt gần 1,62 tỷ USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Singapore; Thái Lan và Lào với mức nhập siêu 6 tháng năm 2014 lần lượt là ước đạt 1,92 tỷ USD; 1,37 tỷ USD và 298 triệu USD.
Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên liệu như: xăng dầu các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; linh kiện phụ tùng ô tô; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; giấy các loại;… và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Tăng trưởng chậm lại ở các thị trường trọng điểm
Theo phân tích của Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, việc xuất khẩu tại 3 thị trường trọng điểm là Thái Lan, Malaysia và Campuchia đang có xu hướng chậm lại do nhiều nguyên nhân.
Đối với thị trường Malaysia, trong 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính sang Malaysia giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, dầu thô giảm 27%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 44,5%; cao su giảm 46,6%; gạo giảm 59,4%; than đá giảm 70,3%.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su giảm mạnh do cung cao su đang vượt cầu của các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu.
Giá cao su giảm do kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường ảm đạm, sự rớt giá của đồng USD và đầu cơ trên thị trường hàng hóa như sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM).
Đồng thời, chính phủ Malaysia đã duyệt chi khoản tiền 2 triệu USD để hỗ trợ giá và bảo vệ quyền lợi của người dân trồng cao su.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm do cạnh tranh mạnh từ các nước xuất khẩu khác (đặc biệt là Thái Lan).
Thêm nữa, sự thay đổi về chính sách thu mua gạo thông qua trung gian của công ty Benas (đầu mối nhập khẩu gạo theo hợp đồng Chính phủ với Việt Nam).
Trong khi đó, ở thị trường Campuchia, sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa sản xuất tại các nước khác, trong đó đáng chú ý là hàng hóa từ Thái Lan, Trung Quốc và các nước ASEAN.
Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm tương đối do Campuchia tận thu thuế hải quan dẫn đến thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu bị ách tắc, mất thời gian hơn trước, chi phí logistics tăng, giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng.
Mặt khác, phần nhiều các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quan tâm thực sự tới việc thiết lập kênh phân phối của mình tại thị trường Campuchia mà chủ yếu là bán hàng cho các thương nhân Campuchia để họ tự phân phối tại thị trường.
Điều này khiến cho việc phân phối hàng hóa không có sự chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm gặp khó khăn.
Thực tế, các nhà phân phối Campuchia luôn có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nên rất dễ thay đổi quan hệ đối tác với thương nhân Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý nữa chính là "Tâm lý bài Việt, tẩy chay hàng Việt Nam" vẫn đang được các lực lượng đối lập của Campuchia thường xuyên tuyên truyền, kích động.
Hiện tại, theo báo cáo Sở Công Thương các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia, các nhà phân phối, đại lý của Campuchia nhập hàng Việt Nam, bán hết hàng mới lấy hàng tiếp chứ hạn chế mua số lượng lớn và tích trữ hàng Việt Nam như trước đây.
Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2014.
Còn tại Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng trưởng chậm do tình hình chính trị bất ổn kéo dài tại Thái Lan từ năm cuối năm 2013 đến nay khiến cho nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng ở Thái Lan đều bị sụt giảm.
Vì vậy, nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị ảnh hưởng và giảm trong 6 tháng đầu năm 2014, đặc biệt là phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 24%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm nhẹ 3,1%; sắt thép các loại giảm 13,9%.
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo