Kinh doanh rượu bia sẽ phải đóng quỹ 360 tỷ đồng/năm, gánh nặng đổ đầu doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng?
Quỹ nâng cao sức khoẻ là đề xuất của Bộ Y tế nằm tại Điều 19 Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Quỹ này, nếu được ra đời, sẽ có nền tảng là quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.
Kinh phí của quỹ đến chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bia, rượu được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt. Lộ trình tính toán, theo Bộ Y tế gồm:
-0,5% từ ngày Luật có hiệu lực
-1% từ ngày 1/1/2023
-1,5% từ ngày 1/1/2026
-2% từ ngày 1/1/2030
Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia tự khai, tự tính, tự nộp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó còn có khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá quy định tại tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cũng như các thu hợp pháp khác
Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Y tế ước tính, nguồn kinh phí từ Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng hằng năm sẽ đóng góp khoảng khoảng 360 tỷ đồng từ khoản đóng góp bắt buộc từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu rượu, bia cho các hoạt động phòng chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá.
Đề xuất nhận phản ứng trái chiều
Với mục tiêu vì sức khoẻ người dân nhưng đề xuất này của Bộ Y tế đang không nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia.
Ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết trên thế giới rất ít quốc gia áp dụng mô hình Quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng vào mục đích như vậy.
Lấy ví dụ về Đức, một trong số hiếm quốc gia sử dụng hình thức này, ông Matt Wilson nhấn mạnh chỉ có đồ uống pha trộn mới bị áp dụng chứ không phải toàn bộ đồ uống có cồn.
Đại diện Heineken cũng đặt vấn đề về cách thức vận hành, quản lý quỹ vốn chưa được nêu rõ. Vì vậy, dẫn đến doanh nghiệp nghi ngờ về tính hiệu quả nếu được thực thi.
"Chúng ta không biết rõ ngân quỹ sẽ được sử dụng như thế nào, dành cho hoạt động gì", ông nói và cho biết bản thân Heineken hàng năm trích ra một khoản để thực hiện các chương trình liên quan việc "uống có trách nhiệm".
Trong khi đó, nếu hình thành một quỹ, phần đóng góp của doanh nghiệp, thay vì 100% đi vào các chiến dịch vì sức khoẻ người dân, thì phải trích một phần không nhỏ cho chi thường xuyên để vận hành quỹ. Doanh nghiệp, vì mất một khoản chi phí cho việc đóng quỹ, cũng sẽ tự hạn chế các chiến dịch đang làm. Như vậy, về tổng thể, theo ông Matt Wilson là không hiệu quả.
Mặt khác, ông Matt Wilson cho rằng Quỹ có thể gây tác dụng ngược bởi việc việc đóng góp bắt buộc với mức cao như đề xuất trong bối cảnh thuế Tiêu thụ đặc biệt cao (65% từ 1/1/2018) sẽ khiến cho giá đồ uống có cồn tăng cao, dẫn đến người dân thay vì lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng sẽ chọn bia, rượu "lậu".
Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cũng đồng tình với ý kiến này. Nhấn mạnh việc trích quỹ rất lớn, ông cho biết gánh nặng sẽ dồn lên cả doanh nghiệp lần người tiêu dùng. Ngoài ra, còn là vấn đề minh bạch của chi sử dụng quỹ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát lại quan ngại về việc kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn. Nguyên nhân việc gộp chung này sẽ dẫn tới việc sử dụng ngân quỹ do ngành rượu, bia đóng góp để hỗ trợ những vấn đề khác, không liên quan tới ngành.
Theo ông, không thể đánh đồng giữa bia rượu với thuốc lá. "Đối với thuốc lá là chủ trương giảm tiêu thụ. Còn đối với rượu, bia, chủ trương là phát triển ngành một cách có trách nhiệm song hành với mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng và nghiện đồ uống có cồn", ông nói.
Ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng cần phải tính toán thêm về Quỹ này vì một số lý do. Thứ nhất, từ năm 2018, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội sẽ giám sát các quỹ ngoài ngân sách, do vạy, việc thành lập Quỹ sẽ làm tiêu tốn thêm nguồn lực của Uỷ ban.
"Đừng để nguồn lực nhà nước, nguồn lực của dân bị phân tán vì có quá nhiều loại quỹ", ông nói. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng khoản thu này không phải là thuế nhưng không khác gì thuế, thu trên giá trị tuyệt đối doanh thu của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo