Hàng quán đóng cửa, siêu thị đầy ắp lương thực phẩm để bình ổn giá
Học cách ứng biến với thị trường nội địa / Hơn 30 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng thị trường trong đầu tháng 4
Các siêu thị khẳng định, nhu yếu phẩm cần thiết luôn đáp ứng đủ, người dân không phải tích trữ, giá cả bình ổn. Thậm chí, một số siêu thị còn chủ động điều chỉnh kéo dài thêm thời gian mở cửa để người dân yên tâm mua sắm, không bị dồn vào các khung giờ cao điểm. Vì vậy, người dân không còn tâm lý găm hàng dự trữ hàng hoá.
Siêu thị tăng 300% nguồn hàng
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, sáng nay (30/3) tại siêu thị Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội), lượng khách đến mua hàng rất ít. Các mặt hàng thiết yếu luôn đầy ắp trên kệ hàng như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì tôm... Thậm chí, một số mặt hàng đang có chương trình giảm giá.
Tại siêu thị Vinmart ở đường Bằng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không có tình trạng chen lấn mua sắm. Đại diện siêu thị này cho biết các mặt hàng mì tôm các loại, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, các mặt hàng đông lạnh... đều được tăng trữ lượng lên từ 3-4 lần, để vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa đảm bảo giá tốt để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Để có được sự ổn định này, các siêu thị cho biết là nhờ đơn vị nhận định được vấn đề dịch bệnh nên lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2, với lượng trữ giống như cho mùa Tết. Đặc biệt từ đầu tuần trước khi Chính phủ kêu gọi người dân hạn chế đi ra đường để phòng chống dịch bệnh, các siêu thị đã tăng 300% nguồn hàng.
Ngoài ra, nắm được xu hướng mua sắm mới trong mùa dịch và để tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, các chuỗi siêu thị đã đẩy mạnh hình thức mua sắm online. Anh Trịnh Phan Đăng Khoa - đại diện VinMart chia sẻ: “Theo thông số thống kê nội bộ, tổng giá trị đặt hàng online ở VinMart tăng hơn trước khi bùng phát dịch, chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng như: thực phẩm khô (mì gói, gạo, nước mắm, đồ hộp), hóa phẩm”.
Có thể thấy được tuy doanh số từ nguồn bán hàng online tăng không bù đắp được doanh số sụt giảm đáng kể của kênh offline tại hệ thống các cửa hàng và siêu thị, nhưng Vinmart đã bắt kịp xu thế phát triển của tương lai, phát triển nhanh kênh “siêu thị ảo” đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện tại.
Người dân không phải tích trữ
Trước lo lắng của một số người dân về việc dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế ra ngoài nên có tâm lý tích trữ thực phẩm chế biến khô, hàng đông lạnh, nước mắm, bột ngọt, mì tôm... dẫn đến tình trạng tăng giá, đại diện các siêu thị cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá trên toàn TP Hà Nội và toàn quốc.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc VinCommerce khẳng định, VinMart và VinMart+ đảm bảo người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào. Hệ thống VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày.
Ngoài ra, VinCommerce còn kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo bình ổn giá cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh, thành thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, VinMart sẽ là đơn vị chủ lực đảm nhiệm việc cung ứng hàng hàng hóa đến các vùng bị cách ly, các đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện, các tuyến đầu phòng chống dịch... VinCommerce sẽ chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên giao hàng đi vào các vùng này.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết ngành công thương thành phố đã có kịch bản cung ứng hàng và trong bất kỳ tình huống dịch bệnh nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đầy đủ hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm của người dân tăng gấp 1,5-2 lần.
Sở Công Thương đã xây dựng các kịch bản dự trữ hàng hoá theo 4 cấp độ dịch bệnh, đảm bảo đủ hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ngay cả khi Hà Nội có 1.000 ca nhiễm bệnh. 4 cấp độ dịch bệnh bao gồm: có trường hợp bệnh xâm nhập; có lây nhiễm thứ phát; lây lan trên 20 trường hợp; lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.
“Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa cho kịch bản ở cấp độ 3 và 4, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra gián đoạn cung ứng hàng hóa. Chúng tôi cũng lên phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho toàn thành phố”, bà Lan nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Smartphone ‘nồi đồng cối đá’, pin 6.000 mAh, RAM 8 GB, giá hơn 4 triệu đồng
Giá xe Honda Future 125 FI tháng cuối 12/2024 rẻ như 'bèo', được săn đón hơn Wave Alpha và RSX
Toyota Innova cho Mitsubishi Xpander ‘hít khói’ về doanh số
Xe hơi đẹp mê ly, giá gần 490 triệu đồng, so kè cùng Mini Cooper
‘Cực phẩm côn tay’ 150cc giá 37,3 triệu đồng sắp ra mắt, có ABS như Yamaha Exciter và Honda Winner X
Mẫu iPhone là lựa chọn hấp dẫn tầm giá dưới 10 triệu đồng năm 2024