Kinh doanh

Miền Trung - Tây Nguyên: Không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá do Covid-19

DNVN – Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang cùng cả nước “căng mình” chống dịch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá.

Lâm Đồng: Giá trị xuất khẩu hàng hóa khởi sắc / Thừa Thiên Huế: Tập trung sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế

Sau một thời gian yên ắng, nghe tin Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người dân tại “xứ sở sương mù” Đà Lạt (Lâm Đồng) không khỏi ái ngại và lo lắng. Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh, nhà hàng, quán xá, dịch vụ... tạm thời đóng cửa; thành phố bỗng trở nên thưa thớt dần. Tuy nhiên, nhu cầu thiết yếu về nhu yếu phẩm, mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay... cũng vì thế mà tăng cao.
Thị trường hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn ổn định về giá cả, sức mua. Tình trạng người dân mua hàng tích trữ hầu như không xảy ra.

Thị trường hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn ổn định về giá cả, sức mua. Tình trạng người dân mua hàng tích trữ hầu như không xảy ra.

Chị Nhã Vân, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đà Lạt), cho hay, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, gia đình tôi không mua trữ hàng với số lượng quá nhiều mà chỉ mua những mặt hàng cần thiết, với số lượng vừa phải. Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm như gạo, mì tôm, nước mắm, bột ngọt, rau quả... vẫn ở mức bình thường. Riêng chỉ có mặt hàng khẩu trang là “sốt” hơn cả.
Chị Vân kể, khi dịch bệnh giảm nhiệt, giá khẩu trang y tế chỉ dao động từ 30 – 50 ngàn đồng/hộp. Nhưng cách đây mấy hôm, chị ghé vào một tiệm thuốc tây gần chợ để mua thì nhân viên bảo hết, chỉ bán khẩu trang vải với giá 10 ngàn đồng/cái. Chị lắc đầu cảm ơn, tìm đến một nhà thuốc có tiếng tại TP. Đà Lạt mới có bán nhưng chỉ bán lẻ theo chục chứ không bán nguyên hộp, với giá gấp 2-3 lần ngày thường, nhưng nhiều khách hàng như chị vẫn ngậm ngùi chấp nhận mua.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các đơn vị cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đầy đủ những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh mới tái bùng phát tháng 7/2020.
Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng có 8 doanh nghiệp phân phối hàng hoá lớn và 2 chợ đầu mối đảm bảo cung ứng chính nguồn nhu yếu phẩm phục vụ thị trường. Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp điều tiết nguồn hàng, tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ cư dân trên địa bàn, khu vực cách li khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt khi dịch xảy ra trên diện rộng.
Trong khi đó, tại Đắk Lắk, sau khi xuất hiện 3 ca dương tính với Covid-19, ngành chức năng tỉnh này đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống như: Cách ly, khoanh vùng, giãn cách xã hội, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân trên, khuyến cáo đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát, quản lý thị trường, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá nhu yếu phẩm, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ người dân, tránh tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp lợi dụng “đại dịch” để tăng giá, găm hàng...
Để ngăn chặn hành vi trục lợi từ việc tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế thời điểm này, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk đã sớm chủ động vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường.
Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk, dự báo được nhu cầu tiêu dùng các loại trang thiết bị phòng, chống dịch sẽ tăng cao, Cục đã đồng loạt ra quân kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh không “găm” hàng, hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo đối với các loại hàng hóa thiết yếu, vật tư y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn... nhằm trục lợi.
“Cùng với kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, đạo đức của người kinh doanh, không lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đồng bào mình. Đối với cơ sở kinh doanh vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Toàn cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra việc cung ứng hàng hoá tại siêu thị Coop mart Huế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch và cung ứng hàng hoá tại siêu thị Coop mart Huế.

Tại Thừa Thiên Huế, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan phải bảo đảm khả năng cung ứng và dự trữ hàng hóa phục vụ đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đã cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá thị trường.
Theo đại diện Big C Huế, từ khi có dịch bệnh, đơn vị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mì tôm các loại khoảng 10.000 thùng, đồ hộp các loại khoảng 25.000 hộp, gạo các loại khoảng gần 15 tấn… Siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp về tần suất giao hàng kịp thời, sẵn sàng huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa trong những đợt cao điểm mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Siêu thị Big C Huế đang triển khai dịch vụ gọi đặt hàng qua số điện thoại để giao tới tận nơi; trong đó miễn phí giao hàng với hóa đơn từ 200 ngàn đồng trở lên, với điều kiện giao hàng trong phạm vi 10 km.
“Sức mua hàng hóa những ngày qua có sự tăng nhẹ nhưng không ồ ạt như đợt bùng phát dịch Covid- 19 đầu năm. Khách hàng hiện tập trung chủ yếu mua các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, những mặt hàng nhu yếu phẩm khô và rau củ quả các loại. Với sự chủ động và nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa, Big C Huế cam kết không tăng giá hàng hóa và dự kiến có đủ hàng cung cấp, phục vụ nhu cầu khách hàng, do vậy người dân không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa”, đại diện Big C Huế khẳng định.
Qua khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, như: Chợ Đông Ba, An Cựu, Trường An... cho thấy nguồn cung hàng hóa về các chợ vẫn dồi dào và sức mua, giá cả dao động trong biên độ ổn định.
Chiều 4/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tình hình thị trường tại chợ Đông Ba, siêu thị Coop mart, Big C và các hộ kinh doanh dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP. Huế. Tại đây ông Định đã thăm hỏi tình hình buôn bán của các tiểu thương, cũng như hoạt động kinh doanh của các đơn vị, các hộ kinh doanh; đồng thời yêu cầu cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi kinh doanh, buôn bán.
Để phục vụ nhu cầu của người dân, chủ động ứng phó với dịch bệnh, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống xảy ra của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở dự tính nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo cung ứng đủ số lượng lương thực, thực phẩm cần thiết.
“Các siêu thị và Ban quản lý chợ chủ động kết nối với các kho hàng dự trữ đầu mối để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Có kế hoạch điều tiết hàng hóa giữa các khu vực, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, bảo đảm số lượng, chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định đề nghị.
Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm