Thị trường

Chỉ 4% doanh nhân biết về Thoả thuận xanh châu Âu

DNVN - Thoả thuận xanh châu Âu đã được EU thông qua cách đây gần 4 năm. Tuy vậy, khảo sát vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 88-93% số người Việt Nam được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thoả thuận xanh châu Âu (EGD). Trong khi đó, tỷ lệ doanh nhân biết rõ về thoả thuận này chỉ ở mức 4%.

Hàng lậu, hàng giả 'lộng hành' khiến thương mại điện tử bán lẻ khó phát triển / Boeing cam kết xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam

Ít người biết tới Thoả thuận xanh châu Âu

Tháng 1/2020, Liên minh châu Âu (EU) thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Thoả thuận này bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU, với các tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU.Các chính sách xanh này đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới và/hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành.

Tính đến nay, chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh đang và dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đối với lĩnh vực sản xuất chế biến, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP) liệt kê 35 chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn trong 7 chuỗi sản phẩm mục tiêu.

Ngoài ra, còn có một số chính sách khác có phạm vi hẹp hơn nhưng cũng rất đáng chú ý như chiến lược đa dạng sinh học, cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng…


Nhiều chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Tại hội thảo “Thỏa thuận xanh EU và Tác động tới xuất khẩu Việt Nam - Những điều doanh nghiệp cần biết” ngày 16/11, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, là thị trường có sức mua lớn nhất toàn cầu, EU từ trước đến nay luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Dù bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, làm suy giảm tạm thời nhu cầu của thị trường này nhưng EU vẫn chứng tỏ là một thị trường đầy tiềm năng với Việt Nam, đặc biệt từ những cơ hội của hiệp định EVFTA.

Năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung sang tất cả các thị trường là 10,5%.

“Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận xuất khẩu của Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về EGD chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).

7 nhóm sản phẩm chịu tác động

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng.

Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận xanh EU đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Theo bà Trang, tính tới thời điểm hiện tại, với những chính sách xanh trong EGD, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới gồm 7 nhóm sản phẩm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm.

“Thách thức mà EGD đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan. Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, EGD và các chính sách, biện pháp thực thi thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian”, bà Trang nhìn nhận.

Đồng thời, không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Trong bối cảnh này, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng các chính sách trong khuôn khổ EGD liên quan đến sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam để duy trì hoạt động xuất khẩu bền vững sang thị trường EU nói riêng và nhiều thị trường khác cũng đang có những dịch chuyển theo hướng tương tự.

Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm để ứng phó với các tác động của EGD tới xuất khẩu Việt Nam là chủ động tìm hiểu về EGD để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Với các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức, bà Trang khuyến nghị có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU này của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm 5 sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu có.

Cũng theo Giám đốc WTO và hội nhập, với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ EGD là nhiệm vụ rất khó khăn.

“Dù vậy, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU”, bà Trang nêu.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm