Thị trường

Du lịch Đà Nẵng thu hút nhóm khách trẻ và trung niên

DNVN - Cuộc khảo sát trực tuyến khách du lịch nội địa đối với điểm đến Đà Nẵng dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 vừa được Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng tiến hành cho thấy du lịch Đà Nẵng thu hút nhóm khách trẻ và trung niên. Vì vậy, các chiến dịch truyền thông của du lịch Đà Nẵng cần bắt kịp xu hướng của nhóm thị trường này.

Tổ chức cuộc thi ảnh đưa Đà Nẵng đến với cộng đồng Instagram Hàn Quốc / Đà Nẵng: Điều chỉnh điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất để cách ly y tế tại nhà

Tâm lý du khách nội địa thận trọng hơn

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Sở Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm vừa thực hiện khảo sát trực tuyến khách du lịch nội địa đối với điểm đến Đà Nẵng dưới tác động của dịch bệnh COVID-19. Qua đó nhằm có dữ liệu chính xác hơn về tình hình thị trường, nhu cầu và xu hướng của khách du lịch nội địa đối với việc lựa chọn điểm đến Đà Nẵng sau tác động của dịch COVID-19.

Đối với du khách nội địa, du lịch Đà Nẵng thu hút thị trường khách trẻ và trung niên

Đối với du khách nội địa, du lịch Đà Nẵng thu hút thị trường khách trẻ và trung niên.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đề xuất những giải pháp trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch TP và đầu tư sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế là qua 4 đợt dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho tâm lý và hành vi của khách du lịch nội địa thay đổi đáng kể.

Cuộc khảo sát trực tuyến được tiến hành từ ngày 19/9 – 24/10/2021. Mẫu hỏi được tiếp cận đến các du khách đang sinh sống và làm việc tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là thị trường khách chính của Đà Nẵng. Đợt khảo sát đã nhận được 2.534 khách tham gia khảo sát và hơn 2.500 đề xuất phát triển du lịch Đà Nẵng.

Cuộc khảo sát đã phác họa được cơ bản “Chân dung khách du lịch nội địa đối với điểm đến Đà Nẵng dưới tác động của dịch bệnh COVID-19”. Qua câu hỏi “Bạn đã từng đến Đà Nẵng?” cho thấy TP này là điểm đến khá quen thuộc đối với khách du lịch nội địa với 83% khách tham gia khảo sát đã một hoặc nhiều lần đến đây. Tỷ lệ này cao hơn gần 10% so với đợt khảo sát năm 2020; khách hàng mới chỉ chiếm 17,01%,

Sau các đợt dịch COVID-19 từ năm 2020 đế nay đã khiến tâm lý du khách nội địa thận trọng hơn. Gần 42% khách khảo sát chưa rõ thời gian đi du lịch và chờ vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Hơn 29% khách khảo sát dự định du lịch Đà Nẵng cuối năm 2021 và 28% sẽ đi du lịch vào đầu năm 2022.

Đối với cả nước, 50% du khách Việt Nam hy vọng đi du lịch vào cuối năm 2021, theo khảo sát “Chào đón du lịch trở lại” của Agoda năm 2021.

Du lịch Đà Nẵng thu hút thị trường khách trẻ và trung niên

Về độ tuổi của khách du lịch nội địa, qua khảo sát cho thấy hơn 42% du khách trẻ trong độ tuổi 25 - 34 tuổi tham gia khảo sát. Nhóm khách thuộc thế hệ Millennials có sự độc lập về kinh tế và thích xê dịch; 23% là độ tuổi 35 - 44; 19% là độ tuổi 18 - 24. Điều này chứng tỏ du lịch Đà Nẵng thu hút thị trường khách trẻ và trung niên. Vì vậy, các chiến dịch truyền thông của du lịch Đà Nẵng cần bắt kịp xu hướng của nhóm thị trường này.

Có 37,73% khách tham gia khảo sát từ các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên; đây là các địa phương dễ tiếp cận, du lịch gần phù hợp với xu hướng sau đại dịch. 36,17% khách tham gia khảo sát từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; đây là thị trường trọng điểm hàng đầu của du lịch Đà Nẵng. Và 26,1% từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

79% khách cho biết đến Đà Nẵng để tham quan, nghỉ dưỡng, 11% khách công vụ. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu của khách công vụ trong dịp cuối năm 2021. Về hình thức tổ chức chuyến đi, vì Đà Nẵng là điểm đến quen thuộc, do đó khách tự tổ chức chuyến đi chiếm hơn 85,5% , tăng gần 10% so với đợt khảo sát năm 2020. Khách đi Đà Nẵng chủ yếu đặt dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến như Agoda, Booking.com, Traveloka, iVivu... (chiếm 56,3%).

Có 43,2% khách tham gia khảo sát cho biết sẽ du lịch Đà Nẵng trong 4 - 5 ngày, tiếp đến là các chương trình du lịch ngắn từ 2 - 3 ngày chiếm 36%. Tỷ lệ này cao hơn 20% so với khảo sát năm 2020. Gần 70% khách khảo sát chọn máy bay là phương tiện để đi du lịch Đà Nẵng, do vậy việc kết hợp chặt chẽ giữa các hãng hàng không với các đơn vị kinh doanh du lịch Đà Nẵng để có những chương trình khuyến mãi thu hút khách là hết sức quan trọng.

52% khách khảo sát đến Đà Nẵng có mức chi tiêu bình quân dưới 5 triệu (tăng 7% so với khảo sát năm 2020 là 45,7%). Điều này là hoàn toàn phù hợp, vì tác động nghiêm trọng của dịch bệnh nên du khách chi tiêu cũng tiết kiệm hơn so với thời gian trước dịch.

Tuy nhiên, hơn 33% du khách khảo sát đến Đà Nẵng dự kiến sẽ có mức chi đến 10 triệu, 15% du khách chi tiêu 15 – 20 triệu. Đây là dữ liệu đáng mừng để Đà Nẵng định hướng phát triển và đa dạng sản phẩm, công tác xúc tiến quảng bá đến phân khúc thị trường khách chi tiêu cao. Cùng với đó, hơn 50% khách cho biết sẽ du lịch Đà Nẵng cùng với gia đình; 22,8% đi cùng nhóm bạn.

Hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng đối với khách du lịch nội địa

Theo kết quả khảo sát, các điểm đến nhận được nhiều sự quan tâm của du khách bao gồm: Biển Đà Nẵng (80,65%), Bà Nà Hills (74,33%), Bán đảo Sơn Trà (66,69%)... Đây đều là những địa điểm đặc trưng làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng trong những năm qua. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm, hoạt động bổ trợ để tăng tính trải nghiệm cho du khách hơn nữa.

“Đáng chú ý, qua khảo sát, một số điểm đến mới nổi như Yên Retreat, An Nhiên Farm, làng rau La Hường,... cũng nhận được sự quan tâm đáng kể, đặc biệt là đối với các bạn trẻ ưa thích trải nghiệm thực tế, thư giãn, gần gũi với thiên nhiên. Nắm bắt sự thay đổi này, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã đưa loại hình sản phẩm du lịch sinh thái vào định hướng phát triển trong thời gian đến!” – bà Huỳnh Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, bên cạnh các khu điểm tham quan, qua khảo sát du khách nội địa cũng thể hiện sự yêu thích ẩm thực Đà Nẵng, đặc biệt là những món ăn đã tạo được dấu ấn đậm nét như hải sản (87.27%), bánh tráng cuốn thịt heo (80.69%), bánh xèo nem lụi (80.52%), mỳ Quảng (79.97%), bánh bèo, nậm lọc (72.30%)... Do vậy, việc tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn cũng sẽ giúp Đà Nẵng giữ chân du khách nhiều hơn.

Về mức độ đánh giá của khách du lịch đối với các tiêu chí điểm đến an toàn, hơn 75% khách khảo sát quan tâm về điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 (tiêu chí này tăng hơn 20% so với khảo sát năm 2020); 68% khách khảo sát quan tâm đến độ phủ vaccine cao tại điểm đến; 51% quan tâm đến quy định chung cho khách nội địa cả nước và điểm đến cần có quy trình đón khách an toàn, xử lý và hỗ trợ khách nếu dịch bất ngờ bùng phát tại địa phương.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm