“Cơ hội kim cương” cho du lịch Đà Nẵng phục hồi
Đà Nẵng: Cuộc thi “Phương án kiến trúc, quy hoạch Trung tâm Hành chính quận Hải Châu” đã tìm ra giải Nhất / Đà Nẵng: Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Xin ông cho biết về tình hình “sức khỏe” hiện nay của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng?
Ông Cao Trí Dũng: Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, đây lầ lần thứ 5 du lịch Đà Nẵng “quay trở lại”. Tháng 5/2020, du lịch Đà Nẵng lần đầu tiên làm kích cầu sau khi phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, và đến tháng 6 – 7/2020 thì bùng nổ với lượng khách nội địa đến tham quan, du lịch trên địa bàn trong 2 tháng này cao hơn tổng lượng khách nội địa đến Đà Nẵng cùng kỳ 2019 tới 30%.
Nhưng đến tháng 7/2020, dịch COVID-19 lại bùng phát thì du lịch Đà Nẵng phải làm nhiệm vụ “sơ tán” hơn 100.000 du khách còn mắc kẹt lại. Tháng 11/2020, du lịch Đà Nẵng “trở lại” lần 2; tháng 2/2021 “trở lại” lần 3; cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021 du lịch Đà Nẵng “trở lại” lần thứ 4. Và nay là lần “trở lại” thứ 5 của du lịch TP.
Bây giờ thì các doanh nghiệp du lịch đã kiệt sức rồi, tuy nhiên lần “trở lại” thứ 5 này có ý nghĩa rất khác so với 4 lần trước. Với lần trở lại này, hoạt động du lịch có được Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, 100% người dân TP Đà Nẵng trong độ tuổi, trong đó có lực lượng lao động du lịch, đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và đang tiếp tục tiêm phủ mũi 2, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 – 12/2021. Như vậy với lần trở lại này, doanh nghiệp du lịch có sự tự tin hơn, bền vững hơn, lạc quan hơn.
Bên cạnh sự tự tin, lạc quan đó, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng có những nỗi lo nào trong lần trở lại này?
Ông Cao Trí Dũng: Tự tin, lạc quan nhưng cũng phải nói thật là doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì chúng ta có Nghị quyết 128 của Chính phủ, có vaccine, có tín hiệu lạc quan của thị trường, trong đó có nhiều thị trường khách lớn đang có kế hoạch quay lại Đà Nẵng, có hộ chiếu vaccine... Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý cho phép Đà Nẵng là 1 trong 5 địa phương (cùng với Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh) được thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021.
Mừng là vì vậy, nhưng vẫn rất lo vì doanh nghiệp du lịch phải đối mặt với những bài toán cực khó, phải cân nhắc thật kỹ giữa độ lớn của nguồn khách, độ lớn của doanh thu với chi phí phải bỏ ra để có thể “trở lại” thêm một lần nữa. Các lần trước, doanh nghiệp du lịch phải chịu nhiều thiệt hại vì bỏ ra chi phí rất lớn để “trở lại” nhưng chỉ thời gian ngắn lại phải đóng cửa vì dịch bùng phát. Vì vậy lần này họ hết sức đắn đo, cân nhắc.
Hoạt động trở lại thì doanh nghiệp có được ít tiền, có được nguồn khách, giữ được thương hiệu, đào tạo nhân viên, giữ được nhân lực, bảo dưỡng được trang thiết bị… nhưng trước mắt là phải chấp nhận lỗ. Mặc dù vậy, tâm thế của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng lần này là biết lỗ vẫn cứ làm; rất nhiều doanh nghiệp đã đăng ký với Hiệp hội Du lịch TP về kế hoạch trở lại. Có thể nói cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đang rất quyết tâm quay lại.
Để việc quay lại được bền vững, sự mừng nhiều hơn sự lo thì cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng có kiến nghị gì với chính quyền TP?
Ông Cao Trí Dũng: Đại diện cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, chúng tôi đề xuất lãnh đạo TP, các sở, ngành, quận, huyện, các hãng hàng không, sân bay Đà Nẵng và các doanh nghiệp một số vấn đề. Trước hết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch rất mong muốn lãnh đạo TP và lãnh đạo Sở Du lịch tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo TP và Sở Du lịch quyết liệt tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Trung ương và địa phương, giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Thực ra, cái khó hiện nay của các doanh nghiệp du lịch chỉ mới là phần nổi do ngân hàng còn đang khoanh nợ đến 30/6/2022. Sau thời điểm này, các doanh nghiệp quay lại phải trả nợ. Khi đó khả năng có thể xảy ra đổ nợ hàng loạt là có, chứ làm gì mà trả nổi. Thực sự mà nói, khó khăn lớn nhất vẫn chưa nằm ở thời điểm này!
Đề xuất thứ hai, giúp doanh nghiệp thực tế nhất là lãnh đạo TP tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp du lịch có thể quay lại rất nhanh, đặc biệt là đối với việc áp dụng hộ chiếu vaccine. Có thể nói việc Chính phủ cho phép 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021 là “cơ hội vàng”, thậm chí là “cơ hội kim cương” đối với du lịch Đà Nẵng.
Nguồn khách nội địa thì tiếp cận như nhau, còn hộ chiếu vaccnine chỉ thí điểm cho 5 địa phương. Kiên Giang thì nguồn lực y tế còn mỏng nên họ chưa dám mở nhiều, đồng thời thực tế cho thấy nguồn khách quốc tế có chương trình thăm thân nhân sẽ ít về Kiên Giang. Đà Nẵng là điểm đến tốt nhất đối với nguồn khách này do điều kiện y tế trên địa bàn tốt, khả năng thu dung, điều trị lâu nay rất tốt. Cùng với đó là khả năng Đà Nẵng kết hợp với Quảng Nam tạo ra sản phẩm du lịch tốt nhất so với các địa phương còn lại.
Vì vậy chúng tôi kiến nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng theo thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ giao cần tạo cơ chế, chính sách tốt nhất để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể quay lại nhanh và thuận lợi nhất. Đặc biệt là hình thành khung pháp lý kết nối thông suốt với Quảng Nam nhằm tận dụng lợi thế của hai địa phương trong việc đón khách quốc tế. Cơ chế chính sách đón khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cần nhất lúc này để phục hồi.
Ông có đề xuất gì về công tác xúc tiến du lịch của Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay?
Ông Cao Trí Dũng: Thực sự là bây giờ nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt rồi, bây giờ mà nói họ đi mở thị trường, xúc tiến nguồn khách… thì họ không thể làm nổi nữa. Vì vậy rất mong chính quyền TP có thêm các nguồn hỗ trợ cho việc này, chứ bây giờ bảo doanh nghiệp bỏ tiền ra để tham gia các sự kiện lớn thì họ không còn tiền nữa.
Đối với các hãng hàng không, chúng tôi muốn nói thế này, hiện nay du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng quay trở lại. Chúng tôi đề nghị các hãng hàng không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn hình thành các gói sản phẩm và sớm đưa ra thị trường để khách hàng thấy du lịch Đà Nẵng đang phục hồi nhanh và an toàn. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã giao cho Hội Lữ hành hình thành các gói sản phẩm, đề nghị các hãng hàng không có sự phối hợp tích cực để cùng công bố luôn.
Ông có điều gì muốn chia sẻ với các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng?
Ông Cao Trí Dũng: Trong suốt thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng luôn sát cánh cùng với cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Thời điểm này, chúng tôi mong các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đăng ký với Sở Du lịch và Hiệp hội về tiến độ quay trở lại, phục hồi bao nhiêu phần trăm nhân lực, các gói sản phẩm như thế nào… để khi du khách quay lại chúng ta có thể phục vụ tốt nhất, đáp ứng được đa dạng nhất nhu cầu của khách.
Câu chuyện bây giờ là sự cạnh tranh điểm đến. Chủ trương như nhau, chính sách như nhau thì bây giờ điểm đến nào tốt hơn, hấp dẫn hơn, an toàn hơn, chứng tỏ được năng lực quản lý nhà nước cũng như năng lực phục vụ của doanh nghiệp thì điểm đến đó sẽ thu hút được nhiều khách hơn. Chúng tôi hết sức lạc quan về sức sống và khả năng chứng tỏ điều này của du lịch Đà Nẵng!
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo