Loạt doanh nghiệp giàu "kếch xù", đem tiền gửi ngân hàng "ẵm" lãi khủng
"Đại gia" nào vô địch tiền gửi ngân hàng?
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt nắm giữ một khối lượng tiền mặt rất lớn. Phần lớn số tiền này được gửi vào ngân hàng lấy lãi định kỳ. Đứng đầu "bảng xếp hạng" tính đến thời điểm này là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố của ACV đó là số tiền 18.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng tính đến cuối năm 2017.
Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 911 tỷ đồng. Còn lại 17.963 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 12 tháng.
Với số tiền "khủng" trên, ACV thu về 1.065 tỷ đồng từ lãi tiền gửi năm 2017. Cuối năm 2017, tổng tài sản ACV đạt 49.161 tỷ đồng, như vậy số tiền gửi ngân hàng chiếm đến hơn 38% tổng tài sản.
Đứng ngay sau là doanh nghiệp từng được mệnh danh là "vua tiền mặt" với khoản tiền và các khoản tương đương tiền lớn cực "khủng" - Tổng công ty khí Việt Nam PV GAS.
Thời điểm cuối năm 2017, PV GAS có 15.118 tỷ đồng "nằm" trong ngân hàng để hưởng lãi suất. Trong đó, có 1.710,7 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 13.407,3 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng.
Cả hai khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn của PV GAS đều tăng gần gấp đôi so với con số đầu năm 2017. Trước đó, đầu năm 2017 tổng số tiền gửi này chỉ là 7.110 tỷ đồng. Tổng tài sản "ông lớn" này cuối năm 2017 là 61.787 tỷ đồng.
Tiếp theo là "ông lớn" xăng dầu - Tập đoàn Petrolimex. Tính đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này có 10.177 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi. Đáng lưu ý số tiền này tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm. Trong mục đầu tư tài chính ngắn hạn, phần đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 4.831 tỷ đồng, tăng tới 86% so với đầu kỳ.
Đem tiền "đút" ngân hàng Petrolimex, cuối năm có 486,5 tỷ đồng mang về, tăng 37% so với năm trước. Tổng tài sản tính đến cuối năm của Petrolimex là 66.550 tỷ đồng, tăng 12.300 tỷ đồng so với đầu năm.
Một trong những "đại gia" tiền mặt khác là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo báo cáo tài chính năm 2017, tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn của công ty này là 10.761 tỷ đồng.
Tổng tài sản cuối năm 2017 của Vinamik là 34.667 tỷ đồng, tăng 18% so với con số đầu năm 2017. Lãi tiền gửi "ông lớn" ngành sữa thu về là 742,8 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2016. Lãi tiền gửi tăng mạnh do tổng số tiền gửi ngân hàng năm 2017 của Vinamilk ngày càng nhiều hơn.
Một trường hợp khác vốn là doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường bia Việt - Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Công ty này cũng đang nắm giữ một lượng lớn tài sản là tiền mặt gửi tại các nhà băng.
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/ 2017, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng. Trong đó có hơn 1.600 tỷ đồng được gửi với kỳ hạn không quá 3 tháng, còn lại được gửi với kỳ hạn trên 3 tháng, dưới một năm.
Với số tiền trên, năm 2017 Sabeco có 453,7 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính. Trung bình lãi suất 5,5%/năm. Con số này có sụt giảm nhẹ so với mức 469,8 tỷ đồng thu về năm 2016. Dù vậy, đóng góp từ khoản thu này vào lợi nhuận sau thuế của Sabeco vẫn khá tốt.
Tổng tài sản của Sabeco cuối năm 2017 là 22.079 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2016. Như vậy, số tiền đem gửi ngân hàng hưởng lãi suất của "ông lớn" ngành bia này chiếm tới hơn 37% tổng tài sản đang nắm giữ.
Tại một "đại gia" khác ngành bia - Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), báo cáo tài chính hợp nhất mới được công bố cho thấy doanh nghiệp này "găm" hơn 3.754 tỷ đồng trong ngân hàng . Trong đó, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn đến 3 tháng là 497 tỷ đồng. Số lãi tiền gửi Habeco "ẵm" về là 125 tỷ đồng.
Tổng tài sản Habeco là 9.504 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là gần 40% tổng tài sản của "đại gia" ngành bia đang nằm trong ngân hàng nhận lãi.
Không chỉ có ở khối sản xuất, một doanh nghiệp lớn bất động sản là Tập đoàn Novaland cũng "lọt" vào "bảng xếp hạng" này. Tại thời điểm cuối năm 2017, Novaland có 7.160 tỷ đồng gửi vào nhà băng lấy lãi. Trong đó, có 5.452 tỷ đồng kỳ hạn dưới 3 tháng.
Trong khi đó, có doanh nghiệp một thời sở hữu khối lượng lớn tiền mặt nhưng lại có chiều hướng giảm dần như Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan. Trong mục đầu tư tài chính, khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 1 tháng của Masan tính dến cuối năm 2017 chỉ còn là 154 tỷ đồng, giảm tới hơn 90% so với con số 1.732 tỷ đồng đầu kỳ.
Có "bí" kênh đầu tư?
Không phải doanh nghiệp nào cũng có khoản tiền và tương đương tiền lớn "đáng mơ ước" như vậy. Việc một doanh nghiệp giữ một số tiền nhất định trong ngân hàng cũng là rất bình thường.
Việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp hoặc chưa có phương án kinh doanh tối ưu, doanh nghiệp có thể chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.
Tuy nhiên, nếu "găm" quá nhiều tiền mặt để gửi ngân hàng và duy trì trong một thời gian dài để lấy lãi sẽ không tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho doanh nghiệp. Nếu việc này kéo dài, nó phần nào thể hiện doanh nghiệp đang "bí" kênh đầu tư, chưa tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất.
Thậm chí đối với một doanh nghiệp nhà nước, người ta có thể cho rằng các "ông chủ" sợ kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước nên không dám đầu tư.
Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, đối với những doanh nghiệp lớn tỷ suất sinh lời của đồng vốn kinh doanh 5%/năm cũng là khá ổn, bên cạnh đó khi kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải chịu rủi ro thị trường, cạnh tranh, tồn kho… Do vậy, lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn trên 5%/năm là khá hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi không phải chịu những rủi ro khi kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo