Hỗ trợ doanh nghiệp

Logistics xoay trục về châu Á, cơ hội của doanh nghiệp Việt

Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam đang ở mức 14 - 16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng bền vững. Việc logistics thế giới xoay trục dần sang châu Á đang là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá.

Logistics hút nhà đầu tư

Thị trường logistics thế giới đạt giá trị trung bình khoảng 8 nghìn tỷ USD/năm trong hai năm gần đây, tương đương khoảng 11% GDP thế giới. Năm 2017, giá trị thị trường ước đạt khoảng 9 nghìn tỷ USD, trong đó 4 công ty lớn nhất thế giới là Ceva Logistics, DHL, FedEx và UPS chiếm 15% tổng doanh thu toàn  cầu.

Với việc logistics thế giới có sự chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á, cuộc chiến tại khu vực này đã diễn ra mạnh mẽ và nóng bỏng ngay từ đầu năm 2018, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Điển hình là việc Amazon ra mắt dịch vụ giao hàng trong ngày tại Singapore, đánh dấu bước đột phá của gã khổng lồ Mỹ khi tấn công vào thị trường mới đầy tiềm năng. Trong khi đó, Alibaba của Trung Quốc đã hoàn thành xong thương vụ M&A với Lazada Việt Nam để mở rộng dịch vụ cho 23 triệu người trong khu vực.


Đầu năm 2018, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam – Tiki đã được đại gia internet Trung Quốc JD.com rót vốn đầu tư 44 triệu USD. Warburg Pincus cũng bắt tay với Becamex IDC lập liên doanh bất động sản BW để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp.

Miếng bánh 40 tỷ USD của thị trường logistics Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp ngoại nhòm ngó. Tại chương trình tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức phối hợp cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức mới đây, khi đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Đức muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, lãnh đạo Đại sứ quán Đức gợi ý: “Các nhà đầu tư Đức nên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và logistics tại Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt đón lấy cơ hội

Bán lẻ trực tuyến phát triển là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp logistics tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics với tốc độ phát triển của ngành đạt khoảng 14 - 16%, quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics nội hiện chỉ chiếm khoảng 20% thị phần của ngành, hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được một phần của chuỗi giá trị logistics, tập trung chủ yếu vào các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Phạm Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ASM, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ nhưng đang nỗ lực để gia tăng thị phần bằng cách tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, công nghệ, học hỏi quy trình của các tổ chức logistics quốc tế nhằm rút ngắn thời gian phát triển. Bản thân ASM từ đầu năm 2018 đến nay đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh với việc đầu tư xe, công nghệ, mở rộng quy mô thị trường và chiêu mộ nhân tài.

Mới đây nhất, khi Tập đoàn Woojin của Hàn Quốc khai trương tổ hợp dịch vụ Logistics Valley tại Khu công nghiệp Yên Phong 2, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chủ động học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển cùng tập đoàn này. Đây là tổ hợp dịch vụ logistics lớn nhất miền Bắc với diện tích khoảng 7 ha, trong đó, nhà kho khoảng 60.000 m2.

Nỗ lực liên kết để bứt phá cũng là chủ đề được doanh nghiệp logistics nội nhấn mạnh trong các cuộc gặp gỡ. Giám đốc Công ty ANY Logistic, bà Lê Thị Hoàng Hiệp cho rằng, để lớn mạnh và thay đổi cách đánh giá của thế giới về năng lực logistics Việt Nam, các doanh nghiệp cần cùng nhau đưa ra những giải pháp tối ưu, đặc biệt là giải pháp vận tải giao nhận trong các khu công nghiệp, phục vụ nhà máy công nghiệp FDI.

Cùng chung quan điểm, Công ty cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển logistics, nhưng đến nay năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm, cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách dù đã được cải thiện trong những năm qua nhưng vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Năm 2018, Vinalines Logistics đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.508 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và lợi nhuận trước thuế đạt 22 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2017. Để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, Công ty đang hoàn thiện công tác chuẩn bị để đưa Công ty cổ phần Vinalines Hòa Lạc Logistics vào hoạt động và triển khai thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống kho, bãi tại dự án Kho ngoại quan và trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong bối cảnh này, JLL – đơn vị nghiên cứu, tư vấn độc lập của Anh nhận định, các đột phá về công nghệ mới sẽ là chìa khóa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc giao hàng ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.      

Nên đọc
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo