Hỗ trợ doanh nghiệp

Nợ thuế gần 16 tỷ, doanh nghiệp nộp vội… 120.000 đồng

(DNVN) - Cục thuế Hà Nội vừa công bố danh sách 65 doanh nghiệp nộp trả tiền nợ thuế sau khi bị "bêu tên". Tuy nhiên, hài hước là có doanh nghiệp nợ thuế đến chục tỷ nhưng chỉ nộp trả hơn 100 nghìn đồng.

Cục thuế Hà Nội cho biết, sau khi Cục thuế Thành phố Hà Nội thực hiện 3 đợt công khai với tổng số 169 doanh nghiệp nợ thuế lớn, các doanh nghiệp đã có công văn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế trao đổi và cam kết tiến độ nộp tiền nợ thuế. Tính đến ngày 15/7/2015, đã có 65/169 doanh nghiệp nộp nợ thuế với số tiền 35 tỷ 395 triệu đồng.

Cục thuế Hà Nội vừa công bố danh sách 65 doanh nghiệp nộp trả tiền nợ thuế.
Cục thuế Hà Nội vừa công bố danh sách 65 doanh nghiệp nộp trả tiền nợ thuế.

Tuy nhiên, theo danh sách 65 doanh nghiệp vừa nộp trả nợ thuế mà Cục thuế Hà Nội vừa công bố, tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp này tính đến ngày 31/5/2015 là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền trả nợ thuế tính đến ngày 15/7/2015 chỉ ở mức "khiêm tốn" với hơn 35 tỷ đồng.

Thực tế, theo danh sách mà Cục thuế Hà Nội vừa công bố, hầu hết các doanh nghiệp đều nộp trả số tiền nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền nợ thuế. Thậm chí, có doanh nghiệp nợ thuế đến hơn chục tỷ nhưng chỉ nộp trả chưa đến chục triệu, thậm chí là hơn 100 nghìn đồng.
Cụ thể,  Công ty TNHH Sơn Trà (địa chỉ số 161, phố Đặng Văn Ngữ - Quận Đống đa - Hà Nội) nợ hơn 15 tỷ đồng nhưng chỉ nộp trả với số tiền khá khiêm tốn là 120 nghìn đồng.

Tiếp theo, Công Ty  CP Nam Thái Binh Dương (Số 73 Lý Nam Đế - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) nợ thuế hơn 1 tỷ đồng nhưng chỉ mới nộp trả được hơn 2 triệu đồng. Công Ty Cổ Phần Cơ Khí Và Xây Dựng Số 10 Thăng Long (Số 49 Lãng Yên - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) nợ gần 7 tỷ nhưng chỉ nộp trả được hơn 4 triệu đồng.

Cũng trong danh sách 65 doanh nghiệp vừa nộp trả nợ thuế, có nhiều doanh nghiệp có số nợ tới vài chục tỷ đồng, song số tiền nộp trả ngân sách chỉ chiếm phần nhỏ. Đa số những doanh nghiệp nợ thuế lớn trong danh sách thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Cụ thể, Công ty CP cơ khí & Xây dựng viglacera (Số 190 đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nợ hơn 50 tỷ nhưng nộp trả được 11,3 triệu đồng. Công Ty Cổ Phần Công Trình Giao Thông 118 - Momota (Số 421 Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nợ gần 44 tỷ đồng nhưng chỉ mới nộp trả hơn 85 triệu đồng...

 

Cũng trong danh sách này, doanh nghiệp có số tiền trả nợ cao nhất là Cty CP T.mại FIT (Tầng 16, tòa nhà Center Building (Hapulico Complex), số 1 Ng - Quận Thanh Xuân - Hà Nội) khi đã trả được hơn 10 tỷ đồng trong tổng số nợ là 29,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần thời trang NEM (Lô đất số C1-1, Khu Công nghiệp Đài Tư - Quận Long Biên - Hà Nội) đã trả được hơn 8 tỷ trong tổng số hơn 22 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế

 Liên quan đến việc xử lý doanh nghiệp cố tình không nộp thuế, đại diện Cục thuế khẳng định sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý nợ thuế đúng Quy trình và quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Cụ thể, đơn vị này sẽ thực hiện việc phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả: động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế; ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp đối với đối tượng nợ thuế để đôn đốc nộp nợ.

Đồng thời, triển khai quyết liệt công tác cưỡng chế nợ thuế (Cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, Thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp nợ thuế); Kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế, giải pháp, chế tài hiệu quả để công tác cưỡng chế nợ có tính khả thi cao.

 

Cục thuế Hà Nội khẳng định, riêng đối với những trường hợp nợ thuế lớn, chây ỳ xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng và các biện pháp mạnh khác theo quy định của pháp luật.

Đại diện của Cục thuế Hà Nội cũng cho biết, nếu sử dụng các giải pháp "mềm dẻo" trên mà các doanh nghiệp vẫn cố tình trốn thuế thì Cục này sẽ dùng biện pháp mạnh để thu nợ.

"Sau khi triển khai các giải pháp nếu doanh nghiệp vẫn không nộp thuế thì chúng tôi sẽ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu các đơn vị này thực hiện phong tỏa tài khoản; thông báo hợp đồng không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, hành nghề…", đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.
Cũng theo vị đại diện này, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo cũng sẽ được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo