Quốc tế

Thành tích thực chiến thất vọng khác xa quảng cáo của Iskander-M

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M là con bài quan trọng của Nga nhằm gây sức ép lên khối quân sự NATO, buộc họ phải có những tính toán cẩn trọng khi thực hiện kế hoạch mở rộng về phía Đông.

Mỹ đem tên lửa mới ra dọa S-500 Nga / Ưu điểm vượt trội của tên lửa đa năng từng được châu Âu mang tới giới thiệu tại Việt Nam

Theo tuyên bố của nhà sản xuất, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M sở hữu những tính năng độc nhất vô nhị, ưu việt và hiệu quả gấp 5 - 8 lần so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Nhờ công nghệ tàng hình plasma độc đáo kết hợp cùng hệ thống dẫn đường tiên tiến cho vòng tròn sai số (CEP) chỉ 2 m khi bắn ở cự ly tối đa 500 km, Moskva tự tin vũ khí này sẽ nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của lá chắn tên lửa được Mỹ triển khai ở Đông Âu.

Nhưng mặc cho Nga ra sức răn đe, kế hoạch của NATO vẫn được triển khai theo đúng lịch trình. Phải chăng khối quân sự này cho rằng không cần phải quan tâm đến loại "siêu tên lửa" nói trên? Điều đó là rất có thể, nhất là khi nhìn vào màn thể hiện của Iskander-M trong những cuộc chiến gần đây

Theo trang web rbase.new-factoria.ru, trong cuộc chiến tranh 5 ngày với Gruzia hồi năm 2008, Nga đã tung vào trận 4 tổ hợp Iskander-M của đơn vị huấn luyện tại Kapustin Yar để tấn công các căn cứ của quân đội Gruzia.

Tuy nhiên thay vì mục tiêu như lập trình, đích đến của những quả tên lửa chiến thuật này lại gây ngạc nhiên vô cùng lớn.

Mặc dù được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp đầu tự dẫn quang học thế hệ mới nhất, nhưng không hiểu sao tên lửa lại chệch mục tiêu rất xa: rơi thẳng vào nhà dân, rơi trên đường phố, thậm chí lao cả vào một trang trại chăn nuôi.

Nguyên nhân sau đó đã được lý giải trong một cuộc điều tra độc lập, kết luận đưa ra đã khiến nhiều người “ngã ngửa".

Nga khi đó không có hệ thống dẫn đường vệ tinh hoàn chỉnh vì hệ thống GLONASS chưa sẵn sàng, họ phải “dùng trộm” GPS, nhưng lại bị Mỹ vô hiệu hóa tín hiệu tại khu vực này, cho nên tên lửa chỉ còn cách bay theo quán tính như phương thức áp dụng trong thời kỳ thập niên 1960.

Với phương thức dẫn đường nói trên, sai số của tên lửa có thể lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm mét chứ không phải chỉ 5 - 7 m như lời giới thiệu.

Việc đầu dò quang học lắp trên đạn 9M723 không phân biệt được đối tượng đã lập trình trước khi bắn cũng khiến nhiều người hoài nghi về năng lực tiêu diệt mục tiêu di động, bao gồm đài radar, trạm chỉ huy hay nhóm xe tăng... như Nga vẫn khẳng định.

Ngoài ra công nghệ tàng hình plasma vẫn chưa chứng tỏ được là đã thành công, các chuyên gia quân sự cho rằng đây thực chất chỉ là một hình thức quảng cáo, nói quá của người Nga.

Tuy nhiên ngay khi đó cũng có ý kiến cho rằng không thể loại trừ khả năng Mỹ và NATO đang thực hiện biện pháp nhằm hạ uy tín vũ khí Nga.

Có thể tên lửa Iskander-M bay không chính xác vì vướng phải một biện pháp gây nhiễu kỹ thuật tinh vi nào đó, chứ không đơn giản chỉ là không được “dùng trộm” tín hiệu định vị GPS.

Nhưng mới đây, trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh, phiên bản xuất khẩu Iskander-E phục vụ quân đội Armenia lại vướng phải tai tiếng không kém, khi có báo cáo về việc nhiều quả đạn phóng đi rơi cách mục tiêu tới… 6 km.

Đây là con số không thể chấp nhận nổi đối với loại vũ khí có giá thành tới 6,5 triệu USD/quả, không chỉ có vậy, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan còn khẳng định tới 90% số tên lửa phóng đi không nổ, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào uy tín vũ khí Nga.

Do vậy, nếu chưa có màn thể hiện khác biệt trên chiến trường mà chỉ là thông báo thành công ở những lần tập trận thì rõ ràng rất khó để Iskander-M buộc NATO phải lùi bước và chấp nhận các yêu sách của Moskva.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm