Quốc tế

Thế giới “chi bộn” cho quốc phòng bất chấp dịch bệnh

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động vô cùng tiêu cực đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu, nhiều quốc gia vẫn mở rộng hầu bao cho các hoạt động quân sự.

Nga triển khai xe bọc thép ở biên giới Ukraine / Ba Lan: Nga triển khai radar lỗi thời ở Donbass

Báo cáo thường niên cán cân quân sự vừa được công bố bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt khoảng 1.830 tỷ USD trong năm 2020, tăng 3,9% so với năm trước đó. Tốc độ tăng này chỉ chậm lại đôi chút khi nhìn vào mức tăng của năm 2019 là 4%-con số cao nhất trong một thập niên qua. Như vậy, dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm ngoái tăng trưởng âm 4,4% do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng chi tiêu quốc phòng toàn cầu lại tăng gần như năm 2019. “Các nước tiếp tục ưu tiên bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế không ổn định cùng với sản lượng kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng bởi dịch bệnh bùng phát”, AFP dẫn nhận định của báo cáo.

Xe tăng T-90 của quân đội Ấn Độ trong một lễ diễu binh tại thủ đô New Delhi, tháng 1-2021. Ảnh: Getty Images .

Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh) này, Mỹ-“tâm dịch” lớn nhất thế giới-tiếp tục đứng đầu danh sách với ngân sách lên tới 738 tỷ USD, qua đó chiếm hơn 40% tổng mức chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Trung Quốc xếp thứ hai sau Mỹ khi chi ngân sách cho quốc phòng là 193,3 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2019. Những quốc gia tiếp theo trong danh sách này lần lượt là Ấn Độ (64,1 tỷ USD), Anh (61,5 tỷ USD) và Nga (60,6 tỷ USD). Trái ngược với xu hướng chung, chi tiêu quốc phòng ở khu vực Trung Đông giảm xuống còn 150 tỷ USD sau khi giá dầu giảm.

IISS đồng thời cho rằng bên cạnh căng thẳng thương mại, Washington và Bắc Kinh còn cạnh tranh về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, vật lý lượng tử hay dữ liệu lớn... có thể được ứng dụng trong hoạt động quân sự. Đồng thời, quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là động lực thúc đẩy hoạt động “mua sắm, nghiên cứu, phát triển” của quân đội Mỹ. Chính Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái đã thừa nhận Trung Quốc vượt Mỹ trên nhiều khía cạnh, bao gồm phát triển tên lửa, số lượng tàu chiến, hệ thống phòng không.

Xét về châu lục, dù một số quốc gia phải điều chỉnh lại chi tiêu quốc phòng để dành tiền cứu trợ Covid-19 và kích thích kinh tế nhưng tổng ngân sách dành cho quốc phòng của châu Á vẫn tăng. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng chậm lại (so với mức tăng 5,9% của năm 2019) nhưng vẫn tăng khoảng 12 tỷ USD bằng tổng mức tăng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước châu Á. IISS nhận định rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã kéo theo sự tăng trưởng ở lĩnh vực này của châu lục. Nhật Bản mới đây đã thông qua mức tăng ngân sách quốc phòng lần thứ 9 liên tiếp với con số kỷ lục là 51,7 tỷ USD cho năm tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 4-2021, tăng 0,5% so với năm tài khóa 2020. Tương tự, Ấn Độ cũng quyết định tăng 1,4% ngân sách quốc phòng, từ 64,5 tỷ USD của năm 2020-2021 lên 65,44 tỷ USD cho năm 2021-2022.

Trong khi đó, tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu cũng tăng 2% vào năm 2020. IISS thống kê, các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng hằng năm kể từ năm 2014 sau khi bán đảo Crimea sáp nhập với Nga và chiến sự bùng nổ tại miền đông Ukraine. Tuy nhiên, hầu hết các nước NATO vẫn còn cách xa mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Trong năm 2020, chỉ có 9 nước NATO ở châu Âu đạt được mục tiêu này, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Italy.

Nhận xét sơ bộ về năm 2021, chuyên gia Fenella McGerty tại IISS cho rằng chi tiêu quốc phòng toàn cầu có thể chững lại khi ngân sách quốc phòng của Mỹ được “làm phẳng”. Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có thể ghi nhận mức giảm nhẹ do nhiều nền kinh tế “thấm đòn” vì dịch bệnh. Dù vậy, bà McGerty nhận định, phải đợi một đến hai năm nữa để đánh giá tác động thực sự của đại dịch Covid-19 đến chính sách an ninh và ngân sách quốc phòng của các nước trên thế giới.

 

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 chỉ làm chậm lại một chút chứ không thể ngăn cản được xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Điều này minh chứng rằng những yêu cầu cấp thiết về an ninh vẫn hiển hiện, buộc các nước phải tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm