Hỗ trợ doanh nghiệp

Sacombank "dọn" nợ xấu trên sổ sách?

(DNVN) - Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nợ xấu cho vay khách hàng (nhóm 3 – nhóm 5) của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 3.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,85% tổng dư nợ. Nhưng liệu rằng khối nợ xấu trong lòng nhà băng này đã dừng ở đó…?

Bất ngờ lỗ 583 tỷ đồng trong quý 4/2015

 Theo tin từ báo Tri Thức Trẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 4/2015.

Theo đó, thu nhập lãi thuần quý 4 đạt 840 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm thu nhập lãi thuần vẫn ổn định ở mức 6.278 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ quý 4 đạt 288 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lãi từ hoạt động khác tăng hơn 15 lần đạt 505 tỷ đồng.

Sacombank bất ngờ lỗ 583 tỷ đồng trong quý 4/2015

Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 4 lỗ 21 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn cũng lỗ gần 28 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Sacombank quý 4 là 387 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ và cả năm giảm 10,5% xuống 3.403 tỷ đồng.

Tuy nhiên do dự phòng rủi ro tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần; và cả năm phần dự phòng cũng tăng gấp hơn 2 lần khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng quý 4/2015, Sacombank lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ nhưng vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).

Như vậy, kết quả kinh doanh quý 4 đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.

Có hay không chuyện "dọn" nợ xấu trên sổ sách?

 

 Tuy nhiên, khi phân tích bản báo cáo tài chính quý 4/2015 thì điều đáng chú ý không phải là việc nhà băng này bất ngờ hơn hàng trăm tỷ trong quý 4 mà điều đáng chú ý nằm ở vấn đề nợ xấu của ngân hàng này.

Theo tin tức từ tạp chí Viettimes.vn, theo phân loại của Sacombank, trong tổng số 180 nghìn tỷ đồng cho vay khách hàng của nhà băng này tính đến ngày 31/12/2015, đang có 176.423 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), 790 tỷ đồng nợ cầu chú ý (nhóm 2), 225 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), 125 tỷ đồng nợ nghi ngờ (nhóm 4) và 3.029 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Tính ra, tổng nợ xấu cho vay khách hàng (nhóm 3 – nhóm 5) của Sacombank là 3.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,85% tổng dư nợ. Đây là tỷ lệ hoàn hảo với các ngân hàng, và dường như cho thấy sau sáp nhập với "bệnh nhân" Southern Bank, tình hình tài chính Sacombank vẫn rất ổn.

So sánh với cùng kỳ 2014, nợ xấu ở Sacombank đã tăng 1.893 tỷ đồng về số tuyệt đối và 0,65% về số tương đối. Cùng với đó là cả chục nghìn tỷ đồng nợ xấu khác đang “tạm trú” ở Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam dưới tên “trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành”.

Dư nợ cho vay khách hàng gấp đôi Sacombank, nhưng giá trị Tài sản có khác của Vietcombank chỉ bẳng 1/5.

Khối nợ xấu tráo danh này hiện đang chiếm phần lớn trong tổng số hơn 16 nghìn tỷ đồng chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn mà Sacombank đang liệt kê trong Bảng cân đối kế toán của mình.

 

Nhưng liệu rằng khối nợ xấu đang “di căn” trong lòng Sacombank đã dừng ở đó? Theo tính toán của VietTimes, quy mô nợ xấu thực sự ở Sacombank, không loại trừ khả năng, có thể bị đội lên… cả tỷ USD nữa và đang nằm ở mục "Tài sản có khác"?

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, tổng giá trị Tài sản Có khác của Sacombank đã tăng sốc tới hơn 4 lần so với đầu năm, lên mức 44.315 tỷ đồng, chiếm đến… 15% tổng tài sản.

Chiếm lớn nhất trong số đó là Các khoản lãi, phí phải thu với 25.144 tỷ đồng. Kế đến là Các khoản phải thu với 17.529 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn sự bất thường của số liệu Tài sản có khác ở Sacombank, chúng ta có thể so sánh với các số liệu tương ứng ở các ngân hàng khác.

Chẳng hạn như ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietcombank tại ngày 31/12/2015 lên tới 376 nghìn tỷ đồng – gấp đôi Sacombank – nhưng  Tài sản có khác của Vietcombank chỉ là 8.927 tỷ đồng, bằng 1/5 so với Sacombank.

 

Trong đó, Các khoản lãi và phí phải thu là 4.815 tỷ đồng (bằng 1/5 so với Sacombank), Các khoản phải thu là 2.527 tỷ đồng (bằng 1/7 so với Sacombank).

Hay như ở Ngân hàng Công thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietinbank gấp 3 lần Sacombank nhưng giá trị Tài sản có khác của Vietinbank cũng chỉ bằng phân nửa so với Sacombank.

Sự bất cập tương tự cũng diễn ra trong các so sánh giữa Sacombank với BIDV và MBBank. Thống kê của VietTimes, Sacombank đang là nhà băng đang có giá trị Tài sản có khác lớn nhất hệ thống về cả số tuyệt đối, lẫn số tương đối. Khoảng cách với các ngân hàng khác thậm chí còn được tính bằng bội số.

Trao đổi với Viettimes.vn, một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, Các khoản lãi, phí phải thu; Các khoản phải thu là một nơi giấu nợ rất kín đáo.

“Lãi quá hạn không thu được là dự thu. Lãi dự thu có thể có tài sản bảo đảm, còn phí dự thu thường do ngân hàng đứng ra bảo lãnh, không có tài sản bảo đảm, đến khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay. Đến phí còn không thu được, thì tất nhiên gốc làm sao thu được. Các ngân hàng không tách riêng phí phải thu, lãi phải thu, mà gộp chung thành lãi, phí phải thu”, vị này cho hay.

 

Rõ ràng, có lý do để nghi về về số liệu nợ xấu thực chất ở Sacombank và để làm rõ điều này đơn vị kiểm toán, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng cần thiết bóc tách rõ con số hơn 44 nghìn tỷ đồng đang được Sacombank hạch toán ở "Tài sản có khác".

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo