Hỗ trợ doanh nghiệp

SCIC lãi hơn 5.360 tỷ đồng từ việc bán vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp

(DNVN) - Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp khoảng 15 - 17%, đặc biệt có doanh nghiệp có chỉ số ROE cao từ 30- 46%.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 

Tại buổi lễ, đại diện của SCIC cho biết, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Tổng công ty đã chủ động tích cực triển khai và đã tiếp nhận, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp; thoái vốn tại hơn 800 doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ đạt hiệu quả cao. 

Viết chú thích ảnh ở đây.

Theo báo cáo của SCIC, trong số 1.000 doanh nghiệp trên thì chỉ có 60 doanh nghiệp nhỏ gặp thua lỗ, thuộc diện kiểm soát đặc biệt (chiếm 6,5%). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp khoảng 15- 17%, đặc biệt có doanh nghiệp có chỉ số ROE cao từ 30- 46%. Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng. 

Qua 10 năm triển khai thoái vốn nhà nước, bình quân vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý đã giảm từ 36% xuống còn 22% hiện nay. Việc bán vốn nhà nước tại hơn 800 doanh nghiệp cho doanh thu 9.243 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách tới 5.360 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực đổi mới và phát triển doanh nghiệp, SCIC giữ vai trò là cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tính tới cuối tháng 9/2015, SCIC đã đôn đốc thu Quỹ đạt 100.000 tỷ đồng và thực hiện chi trả kịp thời, góp phần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp. Mục tiêu phát triển đến 2020 của SCIC là trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, tập đoàn tài chính với quy mô tài sản 22,5 tỷ USD. 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao kết quả mà SCIC đã đạt được. Phó Thủ tướng cho biết, SCIC đã từng bước đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn thông qua việc tăng cường vai trò của cổ đông nhà nước trong quản trị doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu, xử lý tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và cơ cấu lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn để đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt cần nắm giữ, chi phối theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng lưu ý, để trở thành một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, SCIC phải hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chủ động báo cáo đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, SCIC tiếp tục công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao vốn nhà nước về Tổng công ty sau khi hoàn thành cổ phần hóa.
Ngoài ra, SCIC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; thực hiện tốt vai trò cổ đông nhà nước tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao, thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ; từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính; tạo bước chuẩn bị quan trọng để đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn của Tổng công ty trong thời gian tới.

HOÀNG THIÊN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo