SCIC chưa chốt thời điểm thoái vốn tại FPT, Vinamilk...
Chia sẻ với VTV, ông Đạo cho biết, việc quyết định xem lúc nào để lập phương án trình Thủ tướng để quyết định việc bán vốn nhà nước các doanh nghiệp thì chưa thể khẳng định.
Theo lý giải của ông Đạo, vào dịp cuối năm thì các cổ phiếu dễ có biến động. Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành Thông tư về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua Nghị định 60 sẽ khiến nhu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tăng lên.
"Trong danh mục thoái vốn, 10 doanh nghiệp trong lộ trình thoái vốn của SCIC đều nới room vượt qua mức 49% và có thể ở mức 100% nước ngoài sở hữu. Đây là 1 trong những yếu tố đẩy giá cổ phiếu lên cao", ông Đạo lý giải.
Về phương thức thoái vốn, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, với doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì có 1 trong 2 cách. Một là khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận ngoài sàn.
"Thông thường theo kinh nghiệm như chúng tôi đã làm thì giao dịch ngoài sàn thường đạt mức giá tốt hơn. Bởi vì khi giao dịch ngoài sàn, số nhà đầu tư tham gia không chỉ là 1 mà là 2 hoặc 3 hoặc nhiều hơn vì thế tạo sự cạnh tranh mà tạo sự cạnh tranh sẽ có lợi hơn về giá cho Nhà nước. Với cơ chế định giá khởi điểm theo đúng quy định mà có yếu tố cạnh tranh thì thường mang lại lợi ích cao hơn", ông Đạo cho biết.
"Ở trường hợp thứ 2, đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết (Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam và Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) thì chúng tôi áp dụng phương án bán đấu giá. Có thể bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ và cách thức chúng tôi đang thực hiện là bán đấu giá cả lô", vẫn lời lãnh đạo SCIC.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản số 1787/TTg-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ.
Cụ thể, 10 doanh nghiệp trong danh sách cần thoái hết vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%); Công ty cổ phần cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6%); Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37,1%); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%); Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%); Công ty cổ phần sữa Việt Nam (45,1%); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); Công ty cổ phần FPT (6,0%); Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%).
Việc thoái vốn đối với các doanh nghiệp này, Thủ tướng yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này nhằm đạt được lợi ích cao nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo