Hỗ trợ doanh nghiệp

Số doanh nghiệp phải phá sản đã tăng đến mức báo động

(DNVN) - Ngày12/10, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao

Theo tin từ Công thông tin Bộ Tài chính, tại phiên họp, báo cáo dự thảo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng, chủ yếu do việc kiểm kê đánh giá lại điều kiện thực tế về quỹ đất còn lại có thể trồng rừng và diện tích rừng, một phần đất rừng bị chuyển đổi sang các mục đích khác.... Nếu tỉnh riêng về chỉ tiêu trồng rừng trong 9 tháng đầu năm đạt 172 nghìn ha, tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm 53,9% so với cùng kỳ.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế nưóc ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,08% (cùng kỳ năm 2014: 2,94%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,57% (cùng kỳ năm 2014: 5,75%); dịch vụ ước tăng 6,17% (cùng kỳ năm 2014: 5,94%).

Báo cáo cũng phân tích rõ động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 chủ yếu do: Sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhờ đầu tư lớn, khả năng cạnh tranh cao và không bị ảnh hưởng của việc giảm giá xuất khẩu nông sản do ít đầu tư vào khu vực này.

 Ngoài ra, do tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tê vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp; và do những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; các hiệp định FTA được ký kết và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ nhập siêu ở mức cho phép: tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong giới hạn Quốc hội cho phép dưới 5%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014; bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của Bộ này, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp, nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với các năm trước.

 

Thu NSNN đạt khá cao, nhất là thu nội địa. Tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đàu năm ước thực hiện đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so vơi cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,2%), vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân 9 tháng ước đạt 3.300 triệu USD.

Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN bị chậm. Trong 8 tháng đầu năm mới cổ phần hóa được 95/289 doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch cổ phần hóa năm 2015, đạt 32,8% kế hoạch, về thoái vốn ngoài ngành, trong 8 tháng đầu năm đã thoái vốn được khoảng 8,39 nghìn tỷ đồng, thu về khoảng 12,38 nghìn tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Doanh nghiệp phải giải thể, phá sản đã tăng đến mức báo động

 Theo tin từ Cổng thông tin Quốc hội, thẩm tra về báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014. Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng “được mùa- mất giá”, khó khăn tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân.

 

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; nếu không thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp.

Kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn; cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Việc thực hiện một số chính sách mới như gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30.000 tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. Tình hình trật tự an toàn xã hội còn một số tồn tại, một số lễ hội thiếu lành mạnh, kém văn minh gây phản cảm, một số vụ án hình sự nghiêm trọng, một số vụ thảm sát nhiều người gây lo lắng trong nhân dân.

GDP tăng khoảng 6,7% trong năm 2016

Báo cáo của Chính phủ cũng dự kiến đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.

 

Dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 984,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN năm 2016 khoảng 1.276,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 257 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN dự kiến khoảng 5% GDP.

HOÀNG THIÊN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo