Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Hà Lan muốn mua 70% Công ty Đóng tàu Sông Cấm

Tập đoàn đóng tàu nổi tiếng thế giới Damen bày tỏ mong muốn mua ít nhất 70% cổ phần của Công ty Đóng tàu Sông Cấm - công ty con hiện có giá nhất của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC

Tàu kéo đẩy, một sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao của Công ty Đóng tàu Sông Cấm

Nguồn tin từ SBIC cho biết, tổng công ty đã báo Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải xin phép chủ trương cũng như hạn mức tối đa có thể bán cho Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan. Chủ trương chọn Damne làm đối tác chiến lược đã được phê duyệt trong kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ đầu năm nay lẫn đề án tái cơ cấu Sông Cấm hồi tháng 8 vừa qua.

 
Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ nếu trước đó SBIC dự kiến bán 49% cho đối tác ngoại thì nay nhà đầu tư Hà Lan lại hỏi mua ít nhất 70% cổ phần. Trong khi đó theo Quyết định 55 năm 2009 của Thủ tướng về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không quá 49% và do Sông Cấm là công ty cổ phần nên Damen chỉ được mua tối đa tương ứng tỷ lệ này.
 
Trong văn bản kiến nghị với Thủ tướng và bộ chủ quản, Tổng công ty đề xuất “cho phép bán 70% cổ phần tại Sông Cấm cho Damen như là trường hợp ngoại lệ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định nói trên”.
 
Trao đổi với VnExpress ngày 16/12, một lãnh đạo của SBIC cho biết đang chờ trả lời từ Văn phòng Chính phủ đối với kiến nghị này. Vị này không cho biết giá trị 70% cổ phần Sông Cấm tương ứng với bao nhiêu tiền với lý do “đang đàm phán”.
 
“Nếu chủ trương này được thông qua thì hai bên dự kiến sẽ kết thúc đàm phán về giá trị khoảng giữa tháng 1/2015”, lãnh đạo này nói.
 
Damen là tập đoàn đóng tàu lớn trên thế giới, bắt đầu hợp tác với Vinashin – tiền thân của SBIC hơn mười năm trước và hiện cũng là đối tác quan trọng của nhiều công ty thành viên thuộc SBIC mà nổi bật nhất là nhà máy đóng tàu liên danh Damen – Sông Cấm.
 
Nhà máy này có giá 60 triệu Euro, vừa khánh thành đầu năm, trong đó 70% vốn góp từ nhà đầu tư Hà Lan.
 
Đối tác này cũng đã đặt vấn đề mua lại đa số cổ phần tại một doanh nghiệp thành viên khác, Công ty Đóng tàu Hạ Long khi doanh nghiệp này IPO vào đầu năm 2015 theo dự kiến.
 
Đại diện SBIC thừa nhận, thương vụ này thành công không chỉ giúp tổng công ty thu hút vốn đầu tư phục vụ quá trình tái cơ cấu đang vào giai đoạn nước rút mà còn góp phần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ và đặc biệt là mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cũng như tạo sức lan tỏa ra các nhà máy khác.
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo