Thị trường

Ngành trồng trọt đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt 21 tỷ USD năm 2019

Để hiện thực hóa mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 21 tỷ USD trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng với Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp.

2018 - năm khởi sắc của thị trường mì gói Việt / BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Dân buôn xe ‘vượt cạn’ dịp Tết, tăng giá trị nông sản từ trái cây tạo hình

Phát triển trồng trọt đang dần đi vào chiều sâu

Và để đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 21 tỷ USD trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng với Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa điều này.

Rau quả lên ngôi

Cục Trồng trọt mới tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019. Những số liệu được đưa ra tại hội nghị cho thấy, sự tăng trưởng của ngành trồng trọt đang dần đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bằng chứng là diện tích canh tác của một số đối tượng cây trồng chủ lực giảm, nhưng năng suất, sản lượng và giá trị lại tăng.

17-10-42_t2

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Điển hình nhất là cây lúa, tuy tổng diện tích gieo cấy giảm khoảng 138.000 ha so với năm 2017 nhưng sản lượng lại tăng 1,22 triệu tấn (đạt 43,98 triệu tấn). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn trong năm 2018, tỷ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đạt khoảng 80%.

Cơ cấu cây trồng đang chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây ăn quả và rau. Cụ thể, tổng diện tích cây ăn quả đạt gần 970.000 ha, tăng khoảng 48.000 ha so với năm 2017. Sản lượng hầu hết các loại cây ăn quả đều tăng, đặc biệt là cam, bưởi, nhãn, thanh long.Riêng sản lượng vải tăng đột biến (370.000 tấn). Xuất khẩu rau, quả ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,5% về giá trị.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Chỉ từ năm 2017 đến năm 2018, diện tích chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác vàthủy sản là 346.000 ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa tại nhiều địa phương chưa tuân thủ theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017 – 2020, chưa có quy hoạch chuyển đổi vùng tập trung, cơ sở hạ tầng, chế biến, tiêu thụ.

Đối với cà phê, giá trị xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% về giá trị và tăng 29,6% về số lượng so với năm 2017. Điều tiếp tục là cây trồng chủ lực, với sản lượng xuất khẩu tăng 5,1%.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các tổ chức chứng nhận VietGAP, đến nay đã có gần 1.900 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 ha, tăng 297 cơ sở (60.373 ha) so với năm 2017. Điều đó chứng tỏ ngành trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng.

 

Làm gì để thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu cao?

Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Làm thế nào để giá trị xuất khẩu ngành trồng trọt đạt 21 tỷ USD trong năm 2019 theo kế hoạch mà Bộ NN-PTNT đặt ra? Ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng Cây Công nghiệp và Cây ăn quả cho biết: Để phá kỷ lục giá trị xuất khẩu của ngành trồng trọt năm 2018 (khoảng 19,5 tỷ USD) là rất khó. Tuy nhiên, nếu toàn ngành nỗ lực phấn đấu thì chúng ta có thể hoàn thành được mục tiêu này.

17-10-42_t1_

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019 ngành trồng trọt

Thông tin đáng mừng là chương trình tái canh cây cà phê đã gặt hái được thành công, khi năng suất vườn cà phê tái canh từ những năm 2013 – 2014 được đẩy lên 3 – 4 tấn/ha (cao hơn so với trung bình hiện nay là 2,7 tấn). Hết năm 2018, Việt Nam đã tái canh được 110.000 ha (trên tổng số 120.000 ha theo kế hoạch đến năm 2020), như vậy năm nay chắc chắn sẽ giữ được và có thể tăng ít nhất khoảng 30.000 tấn.

Riêng với điều, theo tín hiệu khả quan của thời tiết, năng suất điều có thể đạt 1,1 tấn/ha (tăng năng suất 0,8 tạ/ha so với năm 2018). Ngành trồng trọt phấn đấu sản lượng điều năm 2019 sẽ tăng khoảng 50.000 tấn. Giá trị xuất khẩu có thể đạt khoảng 3,7 tỷ USD (tức tăng khoảng 350 triệu USD so với năm 2018) nếu giá cả thị trường ổn định.

Đối với nhóm cây ăn quả, thị trường xuất khẩu dự báo sẽ gặp khó khăn khi thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch và quy cách mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng cây ăn quả đang có cơ hội phát triển lớn đó là bưởi, chanh leo và sầu riêng. Riêng cây chanh leo đã xuất khẩu được 50 triệu USD trong năm 2018 và hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Sản phẩm trái dừa tươi xuất khẩu được 10 triệu USD...

Còn ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thì cho rằng, muốn đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 21 tỷ USD thì chúng ta phải phấn đấu đạt thêm 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Đối với nhóm cây hàng năm, phải phấn đấu tăng trưởng thêm 500 triệu USD. Trong đó, dư địa để tăng trưởng giá trị xuất khẩu cây lúa không nhiều, bởi đến nay cơ cấu giống lúa chất lượng đã đạt tới 80%. Chỉ có cây sắn là nhiều dư địa tăng trưởng, nếu khống chế được dịch bệnh (nhất là khảm lá sắn) thì giá trị xuất khẩu có thể tăng 300 triệu USD.

 

Xoài cũng là cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không đủ nguyên liệu để đáp ứng đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đến nay, diện tích trồng xoài ở ĐBSCL đã có 10.000 ha, chúng ta có thể mở rộng hơn nữa diện tích, cải tiến quy trình thâm canh để tăng năng suất, chất lượng, đẩy giá trị quả xoài lên cao. Sau khi khống chế được dịch bệnh chổi rồng, năng suất nhãn cũng đã dần phục hồi và lấy lại vị thế trong bản đồ xuất khẩu các sản phẩm cây ăn trái... Và nếu có thể triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo tán, tỉa cành trên diện tích khoảng 300.000 ha cây ăn quả ở ĐBSCL, thì chúng ta có thể kỳ vọng giá trị xuất khẩu cây ăn quả năm 2019 có thể tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2018.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu 21 tỷ USD trong năm 2019,ngành trồng trọt cần có các giải pháp đột phá, cụ thể đối với cây trồng. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng giống cây trồng, phát triển các chuỗi sản phẩm, xây dựng các vùng nông sản hàng hóagắn liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến, xuất khẩu. Ngoài việc đẩy mạnh năng suất, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì hànghóa và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để vượt qua hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các quốc gia nhập khẩu.




1
Theo nongnghiep.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm