Tin tức - Sự kiện

Bài 3: Bất thường cuộc “Đại điều động” hàng loạt cán bộ quản lý trường học ở Bảo Lộc (?)

DNVN - Điều động, luân chuyển là hoạt động bình thường trong công tác quản lý cán bộ. Tuy nhiên, việc UBND TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) điều động cùng lúc hàng chục cán bộ quản lý trường học vào thời điểm quan trọng nhất của năm học với bao bộn bề, lo toan, đã khiến nhiều người trong cuộc chưa thực sự “tâm phục khẩu phục” và dư luận không khỏi hồ nghi(?)

Đà Lạt: Hiệu trưởng bị kỷ luật vì làm khống hồ sơ rút tiền ngân sách được điều động làm hiệu trưởng trường khác / Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phải “có hình thức xử lý” đối với nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt

Đánh nhanh, rút gọn...

Như Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) đã phản ánh trong 2 bài viết mới đây, từ phản ánh của một số bạn đọc, trong đó có những cán bộ, giáo viên đang công tác trong Ngành Giáo dục TP. Bảo Lộc, phóng viên đã tiếp cận hồ sơ, làm việc trực tiếp với các cá nhân, đơn vị liên quan, để có tuyến bài phản ánh một cách khách quan, đa chiều, với mong muốn ngành chức năng địa phương sớm tháo gỡ, giải quyết các sự vụ một cách “thấu tình đạt lý”, tránh “cái sảy nảy cái ung”.

Để làm rõ các phản ánh của bạn đọc, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) đã làm việc trực tiếp với ngành chức năng TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Để làm rõ các phản ánh của bạn đọc, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) đã làm việc trực tiếp với ngành chức năng TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Trong đó, có một sự việc mà thời gian qua, dư luận tại địa phương hết sức thắc mắc, thậm chí đặt nhiều nghi vấn. Đó là việc những ngày cuối tháng 3/2019, UBND TP. Bảo Lộc đã thực hiện một cuộc “Đại điều động” gần như cùng lúc đến 12 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn.

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 25/3/2019, Thành ủy Bảo Lộc ban hành Thông báo số 370-TB/ThU với nội dung: “Căn cứ kết quả lấy phiếu biểu quyết của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy về việc cho chủ trương điều động, bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý các trường học, với số phiếu biểu quyết đồng ý 100%. Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trường để UBND TP. Bảo Lộc thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm” đối với 11 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có danh sách kèm theo.

Vì là một đợt điều động với số lượng lớn cán bộ quản lý trường học, nên có thể hiểu, Thông báo 370 của Thành ủy Bảo Lộc là đồng ý về chủ trương để UBND TP. Bảo Lộc thực hiện các bước của quy trình điều động, bổ nhiệm, một cách nhịp nhàng và vào thời điểm phù hợp với đặc thù của Ngành Giáo dục.

Chỉ 3 ngày sau khi có chủ trương, Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc đã tạo cuộc "Đại điều động" có một không hai trong Ngành Giáo dục địa phương (Ảnh: VH)

Chỉ 3 ngày sau khi có chủ trương, Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc đã tạo cuộc "Đại điều động" có một không hai trong Ngành Giáo dục địa phương (Ảnh: VH)

 

Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày khi có chủ trương của Thành ủy, ngày 29/3/2019, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc đã lập tức ban hành hàng chục quyết định điều động, bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường trên địa bàn.

Thời hạn bổ nhiệm được tính từ ngày 01/4/2019 và yêu cầu những người được điều động phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc để nhận công tác mới. Trong khi đó, với các trường học, đây là thời điểm quan trọng nhất của năm học với bao nhiêu công việc bộn bề, lo toan.

Bình thường một cách… bất thường

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) trong cuộc làm việc ngày 20/8/2019 vừa qua, đại diện các cơ quan có liên quan của TP. Bảo Lộc khẳng định, việc điều động, bổ nhiệm các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vừa qua là hoạt động bình thường trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức của địa phương.

 

Tuy nhiên, nếu là người trong cuộc, là người đang công tác trong Ngành Giáo dục, bình tâm suy ngẫm, sẽ thấy, phía sau cuộc “Đại điều động” này, có nhiều điểm bất bình thường. Cho nên, dù phải chấp hành quyết định điều động, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự “tâm phục khẩu phục” và dư luận vẫn không ngớt dèm pha.

2 thành viên Ban Giám hiệu Trường THCS Lộc Sơn được điều động trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" (Ảnh: VH)

2 thành viên Ban Giám hiệu Trường THCS Lộc Sơn được điều động trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" (Ảnh: VH)

Thứ nhất, có thể thấy, trong danh sách điều động này, Trường THCS Lộc Sơn, cả Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Học và Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Nguyễn Thị Lệ Hồng, được điều động cùng lúc đi trường khác.

 

Điều này khiến ngôi trường có nhiều thành tích và quy mô lớn của thành phố, mấy tháng trời chỉ có 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất “tự bơi” trong ngổn ngang công việc, nhất là vào thời điểm cuối năm học, rất nhiều việc liên quan đến công tác chuyên môn.

Điều này cũng trái với “Nguyên tắc chung” của Quy định về việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc TP. Bảo Lộc (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND TP. Bảo Lộc), là phải: “Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức của các đơn vị trường học”.

Cũng cần nói thêm, Trường THCS Lộc Sơn là cơ sở giáo dục nhiều năm liền có thành tích đứng đầu TP. Bảo Lộc, thậm chí có năm còn đứng Top đầu của tỉnh. Đáng tiếc là thời gian gần đây, bất ngờ phát sinh một số đơn thư phản ánh nhằm vào Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ Hồng – người trước đó đã được quy hoạch chức danh Hiệu trưởng.

Tuy ngành chức năng TP. Bảo Lộc đã kết luận rất nhiều nội dung phản ánh là không có cơ sở, nhưng việc điều động “bình thường” đối với cả 2 lãnh đạo nhà trường, đã khiến dư luận “ngộ nhận” rằng, thầy cô này “bị” chuyển đi vì lý do gì đó(?) Điều này khiến người được điều động cảm thấy hết sức buồn lòng vì uy tín, danh dự của mình bị ảnh hưởng. Ngược lại, những người có đơn thư phản ánh lại “vin” vào cớ này, tiếp tục “làm hung làm dữ”, không ngừng gây sức ép đến ngành chức năng.

Sau điều động, có lúc Trường THCS Chu Văn An có đến 3 Phó Hiệu trưởng (Ảnh: VH)

Sau điều động, có lúc Trường THCS Chu Văn An có đến 3 Phó Hiệu trưởng (Ảnh: VH)

 

Thứ hai, ngược lại với Trường THCS Lộc Sơn, Trường THCS Chu Văn An, sau khi điều động, bổ nhiệm cô Nguyễn Thị Lệ Hồng về làm Phó Hiệu trưởng thì theo quy định lại thừa 1 Phó Hiệu trưởng. Bởi vì, dù đã có chủ trương từ trước, nhưng mãi đến ngày 15/4/2019, Hiệu phó này mới được ông Bắc bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường khác.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, người có tên trong danh sách đã được Thành ủy Bảo Lộc cho chủ trương điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Sơn để “trám chổ trống” khi Hiệu trưởng, Hiệu phó trường này phải chuyển đi, nhưng mãi đến ngày 15/7/2019, cô Hà mới nhận nhiệm sở.

Thứ ba, thời điểm UBND TP. Bảo Lộc thực hiện cuộc “Đại điều động” là tháng 4 - đây được xem là thời điểm quan trọng nhất trong năm đối với hoạt động dạy và học của các trường. Những người làm trong Ngành Giáo dục sẽ hiểu rõ, đây là thời điểm bao nhiêu việc phải lo toan, nhất là công tác chuyên môn, như: Ra đề cương ôn tập cho học sinh; ra đề, duyệt đề, tổ chức thi; công tác tổng kết năm học....

Do đó, trong buổi gặp mặt đông đủ “bá quan văn võ” để nhận quyết định điều động, có Hiệu trưởng đã thẳng thắn phát biểu rằng, việc điều động một cách gấp gáp vào thời điểm gần cuối năm học là không hợp lý, điều này gây xáo trộn, khó khăn cho các cơ sở giáo dục và cho quá trình công tác của người được điều động.

 

Nguyên tắc chung của Quy định về việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Nguyên tắc chung của Quy định về việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Thứ tư, phần “Nguyên tắc chung” của Quy định về việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc TP. Bảo Lộc, yêu cầu phải: “Đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, công bằng và đúng quy định của pháp luật; phát huy trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trường học”.

Bên cạnh đó, phần “Quy trình điều động” cũng nêu rõ: “Sau khi có chủ trương, Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo cử đại diện lãnh đạo đến làm việc với cấp ủy và người đứng đầu đơn vị trường học nơi cán bộ quản lý, viên chức đang công tác trao đổi ý kiến về nhu cầu điều động, bổ nhiệm;…; gặp gỡ cán bộ, viên chức dự kiến điều động bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác”.

 

Thế nhưng, theo phản ánh của một số Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tuy là đợt điều động với số lượng lớn, ảnh hưởng đến nhiều đơn vị trường học, nhưng quy trình thực hiện rất “bí mật” và diễn ra rất chóng vánh(?) Có người hoàn toàn bất ngờ, không hề được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình trước khi điều động; thậm chí không kịp nói lời chia tay với học trò thân yêu của mình...

Một số cán bộ được điều động đã đứng ngoài "Quy trình điều động" của TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Một số cán bộ được điều động đã đứng ngoài "Quy trình điều động" của TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Chỉ cần đơn cử một số điều như trên, đã có thể thấy rằng, tuy việc điều động, luân chuyển cán bộ là công tác bình thường của địa phương; nhưng nếu điều động cùng lúc hàng loạt cán bộ quản lý, ảnh hưởng đến hàng loạt đơn vị trường học như UBND TP. Bảo Lộc vừa làm, thì ngoài việc phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, còn cần phải triển khai một cách nhịp nhàng vào thời điểm thích hợp.

"HẠ CÁNH" LIỆU CÓ AN TOÀN(?)

Hơn 3 tháng sau khi tạo “cơn địa chấn” trong Ngành Giáo dục TP. Bảo Lộc, Chủ tịch Nguyễn Quốc Bắc, chính thức bàn giao công tác, rời nhiệm sở.

 

Tuy đã “hạ cánh”, nhưng ông Bắc vẫn đang tiếp tục được ngành chức “hỏi thăm” để làm rõ trách nhiệm có hay không sự liên quan đến việc trước đó UBND TP. Bảo Lộc đã giao hàng trăm lô đất không thông qua đấu giá, không đúng đối tượng, không đúng quy định…

Hiện Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đang chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Ban Nội chính Tỉnh ủy, thanh tra liên ngành về việc này.

VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm