Tin tức - Sự kiện

Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, nguy kịch

DNVN - Tính từ tháng 6 trở lại đây, liên tục mỗi ngày Bệnh viện Đà Nẵng đều tiếp nhận hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) chuyển tuyến từ các quận, huyện hoặc các tỉnh lân cận. Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như xuất huyết, tụt tiểu cầu, một số trường hợp nguy kịch phải điều trị hồi sức tích cực.

Triển lãm điêu khắc “Con giống” đến Đà Nẵng / Tập đoàn Nhật Bản và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hợp tác phát triển nhân lực

Bệnh nhân chủ quan

Theo Bệnh viện Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm nay, Khoa Y học nhệt đới của Bệnh viện đã thu dung điều trị khoảng 700 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, Khoa này tiếp nhận hơn 150 ca, trong đó có 8 ca rất nặng như: sốc, xuất huyết nặng, tổn thương gan cấp tính. Hiện mỗi ngày, Khoa thu dung điều trị khoảng 70 - 80 bệnh nhân, hầu hết có dấu hiệu cảnh báo hoặc đã trở nặng. Đáng báo động, trong số các ca nặng, nguy kịch phải can thiệp hồi sức tích cực có trường hợp là thanh niên.

Điều trị cho các bệnh nhân mắc SXH nặng tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng

Điều trị cho các bệnh nhân mắc SXH nặng tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng

Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 100 giường vừa điều trị SXH, COVID-19, vừa điều trị các bệnh lý truyền nhiễm khác. Trước tình trạng các ca bệnh SXH tăng nhanh, Bệnh viện Đà Nẵng đã khẩn trương mở lại khoa Y học nhiệt đới cơ sở 2 tại Trung tâm Tim mạch với quy mô 40 giường nhằm thu dung bệnh nhân SXH thể nhẹ và cảnh báo.

Theo Ths.BS Trương Thị Hoa, Phó trưởng khoa Y học nhiệt đới, một số trường hợp bệnh nặng có thể do độc lực của virus và nhất là do người bệnh chủ quan, nghĩ là SXH sẽ tự khỏi. “Thật ra SXH Degue phải theo dõi sát, cần có sự thăm khám. Tránh tình trạng bệnh nhân choáng, tổn thương tạng không hồi phục. Nếu bệnh nhân nhập viện quá trễ, rơi vào tình trạng sốt mất bù thì rất khó điều trị, rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao”, Ths.BS Trương Thị Hoa chia sẻ.

Theo khuyến cáo của Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện Đà Nẵng, hiện tại đang trong mùa dịch SXH, người dân có triệu chứng như sốt cao 39 – 40oC kèm theo tình trạng đau đầu, mỏi người thì cần nghĩ ngay đến bệnh SXH và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán.

Nếu mắc bệnh, bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà cho nhập viện hoặc ở nhà theo dõi. Nếu ở nhà phải để ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng như nôn mửa nhiều, đau bụng, xuất huyết và cần phải nhập viện sớm. Bệnh nhân SXH điều trị tại nhà cần thăm khám hàng ngày tại cơ sở y tế và tránh tình trạng chủ quan, tự ở nhà truyền dịch, dẫn đến bệnh nặng.

Những hiểu lầm liên quan đến bệnh SXH

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), SXH là căn bệnh có lịch sử lâu đời và xuất hiện mạnh mẽ trở lại trong 20 năm qua. Tuy là bệnh không mới nhưng cho đến nay vẫn có không ít hiểu lầm về bản chất và quá trình chăm sóc, điều trị.

Cụ thể, có nhiều người cho rằng đã mắc bệnh SXH thì sẽ được miễn dịch suốt đời, không mắc lại nữa. Trên thực tế, virus gây bệnh SXH Dengue có 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp virus Dengue nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời với tuýp đó, nhưng vẫn có thể mắc những tuýp còn lại. Vì vậy không nên chủ quan cho rằng, đã mắc SXH một lần thì không mắc bệnh lại nữa.

Cùng với đó, nhiều bệnh nhân SXH quan niệm hết sốt là hết bệnh. Theo CDC Đà Nẵng, bệnh SXH do virus Dengue gây ra thường có 2 triệu chứng cơ bản: Sốt và xuất huyết. Sốt là triệu chứng đầu tiên với dấu hiệu đặc trưng là sốt đột ngột; sốt cao (39 - 40oC hoặc cao hơn), sốt liên tục, khó hạ, sờ vào trán thấy nóng ran. Do đó khi người bệnh hết sốt sẽ chủ quan cho rằng đã hết bệnh.

Thực tế cho thấy các biến chứng nặng của SXH thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt (khoảng từ ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt trở đi). Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu: mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài; ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh. Những trường hợp này cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Đáng lưu ý thêm nữa là thông thường khi bị sốt, người dân thường sử dụng các loại thuốc hạ sốt để giảm sốt mà không biết rằng khi bị bệnh SXH có một số loại thuốc tuyệt đối không được dùng. Trước hết là Aspirin, khi bị SXH mà uống thuốc này sẽ gây chảy máu vì ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được, nhất là xuất huyết đường tiêu hóa. Kết quả là làm cho bệnh SXH trầm trọng thêm.

Thứ hai là nhóm thuốc kháng viêm không Steroid. Đa số các thuốc trong nhóm như Diclofenac, Diffunisal, Fenoprofen, Flurbiprofen, Ibuprofen, Indomethacin, Ketoprofen, Mefenamic acid, Naproxen, Piroxacam... cũng có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau, giảm viêm. Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin nhưng các kháng viêm không Steroid đều có tính này (với các mức độ khác nhau), nên cũng khiến việc chảy máu trong SXH khó cầm. Do vậy không dùng nhóm thuốc này trong điều trị SXH.

Thứ ba là người bệnh SXH không nên dùng thuốc kháng sinh. SXH do virus gây ra mà kháng sinh lại để diệt vi khuẩn nên không có tác dụng trong điều trị SXH. Hơn nữa, khi mắc SXH, máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh trong máu cao, dễ gây tai biến.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm