Các tỉnh phía Nam khoá chặt “vùng đỏ đậm đặc”, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà
Bình Dương: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 6.000 chuyên gia nước ngoài tại các doanh nghiệp / Những chuyến xe đầy ắp nghĩa tình chở nông sản từ Bình Phước đến Sài Gòn - Bình Dương
Tại Bình Dương, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tại 2 địa phương “vùng đỏ” TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao địa phương triển khai thực hiện “khóa chặt, đông cứng” ngay các khu dân cư ở 11 phường “vùng đỏ đậm đặc” về số ca F0.
Lực lượng chức năng kiểm soát giấy tờ người được lưu thông trên đường.
Theo đó, từ ngày 22/8, các địa phương này phải thực hiện theo nguyên tắc “khoá chặt 24/24h”, không cho người dân ra khỏi nhà “ai ở đâu ở yên đó” trong thời gian 15 ngày, để thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trong đó, TP Thuận An có 4 phường gồm: Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa; TX Tân Uyên với 7 phường gồm: Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp.
Trong thời gian thực hiện “khoá chặt, đông cứng” này, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ mới ra đường và tiếp cận với người dân. Trong 11 phường này có các “nhà xanh, điểm xanh” thì phải có phương án tổ chức khóa chặt những điểm này để bảo vệ an toàn dịch bệnh.
Ngành y tế sẽ triển khai huy động lực lượng để lấy mẫu trong vòng 5 ngày đối với 11 phường của 2 địa phương theo phương án lấy mẫu quét nhiều lần vào ngày 1, 3, 5. Thống nhất kết quả xét nghiệm ngày 1, 3 sử dụng phương pháp test nhanh kết hợp RT- PCR và kết quả xét nghiệm ngày 5 sử dụng RT-PCR để khẳng định F0.
Trong thời gian triển khai, ngành y tế và các địa phương cùng tổ chức phương án đến từng nhà để xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân. Cụ thể, các địa phương sẽ triển khai bố trí nhanh phương án trạm y tế di động tại 4 phường của TP Thuận An và 7 phường của thị xã Tân Uyên để bảo đảm việc khám, chữa bệnh, cung cấp thuốc cho người dân trong thời gian thực hiện các quy định.
Xác định nhiệm vụ “khoá chặt, đông cứng” trong thời gian 15 ngày đối với 11 phường đòi hỏi phải tăng cường “chi viện” thêm lực lượng để bảo đảm công tác an ninh trật tự, hỗ trợ tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực bị “khoá chặt”, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các địa phương khẩn trương điều phối, bổ sung thêm lực lượng cho địa phương để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong thời gian thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức, bố trí lại các khu cách ly, thu dung ở gần TP Thuận An và thị xã Tân Uyên để kịp thời hỗ trợ nhanh trong tiếp nhận, thu dung các trường hợp F0 khi có kết quả sàng lọc. Khẩn trương điều phối, bổ sung lực lượng lấy mẫu trong xét nghiệm sàng lọc bóc tách F0.
Sau khi có kết quả xét nghiệm qua sàng lọc, các địa phương nhanh chóng chuyển các trường hợp F0 về tuyến tỉnh để cách ly, điều trị, đảm bảo các trường hợp F0 của các địa phương phải có chỗ cách ly, điều trị.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, đoàn thể có liên quan có phương án điều phối, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho người dân, nhất là khu vực thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, chi hỗ trợ tiền ăn cho người dân tại đây, trong thời gian bị “khóa chặt” để thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.
Trong thời gian "khoá chặt, đông cứng", các địa phương sẽ thần tốc xét nghiệm sàng lọc nhanh COVID-19 để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Tại tỉnh Long An, nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, TP Tân An đã yêu cầu người dân không được ra đường với lý do mua hàng thiết yếu, kể từ 0h ngày 22/8. Đồng thời yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các điểm bán hàng tự phát, không giấy phép kinh doanh, bán hàng ngoài danh mục, không bảo đảm 5K.
UBND TP Tân An cũng chỉ đạo ngừng phát phiếu đi mua hàng thiết yếu cho người dân, không để người dân ra đường với lý do mua hàng thiết yếu. Người dân chỉ ra đường trong các trường hợp thật sự cần thiết như tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu của chính quyền địa phương, các trường hợp cấp cứu,... kể cả mua thuốc cũng liên lạc qua điện thoại hoặc ghi phiếu nhu cầu gửi Đội phản ứng nhanh, Đội xung kích, Tổ COVID cộng đồng, khu phố, ấp để được hỗ trợ thực hiện.
Đồng thời, UBND TP Tân An chỉ đạo và phân công các Đội phản ứng nhanh, Đội xung kích, Tổ COVID cộng đồng, khu phố/ấp tăng cường hỗ trợ nhân dân; cung cấp thông tin cho người dân về số điện thoại hỗ trợ của các cửa hàng cung cấp hàng thiết yếu, Đội phản ứng nhanh, Đội xung kích, Tổ COVID cộng đồng, khu phố/ấp.
Phòng Kinh tế TP Tân An được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn và thông tin số điện thoại hỗ trợ của các cửa hàng cung cấp hàng hóa thiết yếu cho xã, phường để thông báo cho người dân.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch”.
Cụ thể, thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn. Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam", “vùng đỏ"). Xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông.
Để tăng cường siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian này, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 10h ngày 23/8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718 ngày 15/8/2021 của UBND thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận, huyện: Quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại Công văn số 2491 ngày 26/7/2021 của UBND thành phố.
Ngành chức năng các địa phương sẽ hỗ trợ, cung cấp hàng hoá thiết yếu cho người dân trong thời gian "khoá chặt".
TP Hồ Chí Minh cũng quy định, các đối tượng được cấp giấy đi đường, gồm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mỗi đơn vị không quá 10%.
Các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng các cơ quan được cấp giấy tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an thành phố theo quy định.
Cơ quan được cấp giấy: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan ban Đảng, đoàn thể, Tổng Công ty trực thuộc thành phố chịu trách nhiệm câp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý.
Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trú đóng tại TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn cấp giấy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thuộc đơn vị, địa bàn quản lý (chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa bàn quản lý).
Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, giám sát. Mẫu giấy đi đường, TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành kèm theo hướng dẫn. Các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích phải mặc đồng phục. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác sẽ mặc áo nhận diện do thành phố cấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo