Tin tức - Sự kiện

Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt khó

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực.

Gần 80 tham luận “giải mã” Chiến thắng Ấp Bắc tại hội thảo khoa học của Bộ Quốc phòng / Tái khởi động tuyến container cụm cảng Cần Thơ với khát vọng tạo động lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng

Tổng sản phẩm trong nước GDP năm nay ước tăng tới 8,02%. Đây là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua.

Đáng chú ý, quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt gần 400 tỷ USD. Đây là số liệu thống kê kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (29/12).

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19 và tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,36%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, khu vực dịch vụ tăng gần 10%, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt khó - Ảnh 1.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19 và tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 19,8%. Chỉ số CPI năm nay tăng 3,15% và được kiểm soát tốt theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1.800 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 26% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 730 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm ngoái. Trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm ngoái và là mức giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm gần đây. Cả nước có trên 148.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 27% so với năm trước.

Nỗ lực vượt khó phục hồi kinh tế

Năm 2022, lạm phát tăng cao tại hàng loạt quốc gia khiến chi tiêu tiêu dùng bị cắt giảm. Từ đó, tổng cầu suy giảm đã tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Sự tác động của giá năng lượng và lương thực thực phẩm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

 

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là thành tích đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.

Lạm phát của Việt Nam năm nay chỉ ở mức 3,15% so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 4%. Đóng góp vào thành tích này là do giá lương thực thực phẩm được giữ ổn định, giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện không tăng. Cùng với đó, việc giảm một số loại thuế đã góp phần giữ lạm phát luôn trong tầm kiểm soát.

"Quốc hội đã ban hành chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, giúp giá cả hàng hóa giảm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường về mức khung thấp nhất vừa đảm bảo đầu vào cho sản xuất kinh doanh khi xăng dầu giảm, vừa đảm bảo an sinh xã hội và góp phần làm lạm phát giảm thấp", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho biết.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục mới vượt mốc 730 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản.

 

Thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

"Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á đang giữ vững vị thế về thương mại toàn cầu, nhờ sức cạnh tranh tốt về xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao và dĩ nhiên là nông sản. Tuy nhiên cần hướng đến mục tiêu không phải là câu chuyện xuất khẩu bao nhiêu mà là xuất khẩu sản phẩm gì, chất lượng như thế nào", ông Jonathan Pincus, Cố vấn Kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), đánh giá.

"Với nguồn cung lao động chất lượng cao và môi trường đầu tư thuận lợi, sự cải thiện đáng kể về thực thi chính sách của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư chất lượng cao như Lego, Pegatron, Apple, muốn mở rộng, chuyển hoạt động sang Việt Nam", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nhận định.

Kết quả trên còn có vai trò điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ. Cùng với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành và triển khai đúng thời điểm, qua đó đã giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

"Chúng ta đã thực hiện thành công kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, môi trường ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Chính điều đó đã tạo ra hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra sức đóng góp của doanh nghiệp, tạo nên bội thu ngân sách trong năm nay", GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay.

 

Năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội giao. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng.

Năm 2023 đối mặt nhiều thách thức

Mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng quý IV năm nay, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn bởi tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới. Sau 9 tháng tăng trưởng cao, quý 4 đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ở khu vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, xuất nhập khẩu. Nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra trong năm tới là 6,5% là một thách thức không nhỏ.

Quý IV năm nay, công nghiệp đã suy giảm và là năm có tốc độ tăng trưởng quý IV thấp nhất trong 12 năm gần đây. Đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng âm, trong đó khu vực FDI bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm liên tiếp vào các tháng cuối năm, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực.

"Giá nguyên, vật liệu đầu vào đang ở mức cao làm giá hàng hóa sản xuất ra ở mức cao, đẩy CPI đối với mặt hàng tiêu dùng tăng cao trong năm tới", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, thông tin.

 

Việc thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm dẫn đến thị trường lao động suy giảm. Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt may, da giày và chế biến gỗ, có trên 50.000 lao động bị mất việc, khiến tình hình thất nghiệp của quý IV tăng so với các quý trước.

"Nhiều ngành hàng, đơn hàng đang bị sụt giảm. Thị trường mua của nhiều hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có xu hướng bị chững lại, bị giảm. Đó là tín hiệu đáng lo ngại", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói.

Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt khó - Ảnh 2.

Việc thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm khiến thị trường lao động suy giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro bên ngoài như áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam", ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho hay.

Năm 2023, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thực hiện tốt tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Điều này có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, là đòn bẩy kinh tế và là "vốn mồi" cho đầu tư toàn xã hội, nhằm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

 

Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tiếp ban hành 4 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề: Ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; Cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, với nhiều giải pháp tổng thể của Chính phủ, Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức sắp tới để kinh tế tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm