Thủ tướng: Thừa Thiên Huế phải tập trung cho dịch vụ, phát triển kinh tế số
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Con đường để thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống chính là học tập / Thừa Thiên Huế đón đoàn khách charter kích cầu du lịch tàu hỏa đầu tiên
Thu ngân sách vượt dự toán
Chiều ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng.
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, vừa phòng chống kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ nhân dân, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 41.412 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,12%. Trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,69%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,18%; Khu vực du lịch, dịch vụ có dấu hiệu phục hồi, tăng 3,4%.
Trong 9 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,22% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.375,2 triệu USD, tăng 36,8% cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 840,3 triệu USD, tăng 32,2% và đạt 91,3% kế hoạch năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.945 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 32.651,1 tỷ đồng, tăng 6%. Thu ngân sách nhà nước đạt 7.742 tỷ đồng, vượt 28% dự toán và tăng 25,4% so với cùng kỳ. Đến 30/9, giải ngân 2.605 tỷ đồng vốn đầu tư công, chiếm 55% kế hoạch vốn giao trong năm.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù gặp khó khăn bởi dịch bệnh nhưng tỉnh đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức thực hiện đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”; đề án điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế; cơ bản hoàn thành đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia.
Dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn duy trì được đà phát triển, thu ngân sách vẫn vượt dự toán.
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực thị trấn Lăng Cô, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Thu hút đầu tư các dự án lớn, mang tầm quốc tế thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch; tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Thừa Thiên Huế kiến nghị, đề xuất Thủ tướng xem xét cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển; hỗ trợ ngân sách Trung ương hoàn thành giai đoạn 2 dự án di dời các hộ dân trong khu vực 1 thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế; quy hoạch, hỗ trợ đầu tư các dự án động lực đầu tư vào địa bàn tỉnh; đề xuất xây dựng Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
Phát huy những giá trị đặc trưng
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, duy trì ổn định cuộc sống của người dân trước ảnh hưởng của đại dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thừa Thiên Huế phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá, đi lên từ chính bàn tay và khối óc, từ khí phách và sức mạnh của con người xứ Huế. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh và ghi nhận công tác phòng chống dịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. “Nhờ làm tốt công tác chống dịch nên kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tốt là điều tất yếu. Không những chống dịch tốt mà tỉnh còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp khi tích cực hỗ trợ các địa phương khác chống dịch", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, Huế là địa phương đặc trưng với hệ thống di sản mà hiếm có địa phương nào có được, đây là điều kiện quan trọng để tỉnh phát huy thế mạnh đặc trưng vốn có của mình. Cái gì đặc thù thì phải tập trung phát huy. Cái gì không đặc thù, ở đâu cũng có thì phối hợp với các địa phương khác cùng nhau phát triển.
"Thừa Thiên Huế phải tập trung cho dịch vụ, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường tính tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá, đi lên từ chính bàn tay và khối óc, từ khí phách và sức mạnh của con người xứ Huế", Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để đẩy nhanh tiến độ các đề án. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện đề án xây dựng Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung và đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi