Y tế

F0 phát hiện trong cộng đồng ở các tỉnh miền Tây tăng nhanh

DNVN - Tiền Giang, An Giang và Trà Vinh, 3 tỉnh ở miền Tây đang có số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh.

Trà Vinh: Làm rõ vụ việc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thuê xe chở cây / Tổ chức tiêm vaccine sai đối tượng ưu tiên, Giám đốc Trung tâm y tế TP Trà Vinh bị cách chức

Ngày 24/10, ông Trương Minh Tới, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, địa phương đã ghi nhận 89 ca F0 liên quan đến ổ dịch tại 2 doanh nghiệp ở xã Bình Đức. Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định công bố bổ sung từ cấp độ 1 lên cấp độ 4 (vùng đỏ), với nguy cơ rất cao đối với xã Bình Đức, sau khi phát hiện hàng loạt ca nhiễm tại 2 doanh nghiệp ở địa phương.

“Huyện đã họp và quyết định phong tỏa trong phạm vi hẹp, kiểm soát chặt các điểm nguy cơ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, ông Tới nói.

Những ngày qua, tỉnh Tiền Giang liên tiếp ghi nhận thêm các ca F0 cộng đồng. Theo Sở Y tế, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn xuất hiện một số ca mắc mới lẻ tẻ. Các chuỗi ca bệnh cơ bản đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý.

Ngày 23/10, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 156 ca F0, trong đó có 32 ca cộng đồng. Huyện Châu Thành là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất với 69 ca, trong đó 25 ca cộng đồng và 44 ca trong khu cách ly.

Đến nay, phần lớn các tỉnh miền Tây đều đã tháo dỡ chốt kiểm soát ra vào tỉnh.

Đến nay, phần lớn các tỉnh miền Tây đều đã tháo dỡ chốt kiểm soát ra vào tỉnh.

Tỉnh An Giang, địa phương có số ca nhiễm cộng đồng ghi nhận rất cao so với các tỉnh miền Tây. Hai ngày qua, An Giang có hơn 500 ca F0, trong đó gần 200 ca cộng đồng được phát hiện chủ yếu tại huyện Chợ Mới, Châu Phú và thị xã Tân Châu.

“An Giang ở cấp độ 2, người dân được phép đi lại bình thường nhưng những ngày gần đây, dịch diễn biến phức tạp. Số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng và tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang”, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin.

UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản yêu cầu người dân không ra đường từ 20h đến 5h sáng hôm sau. Đến nay, tỉnh An Giang đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine (đạt tỷ lệ hơn 74%), trong đó 896.328 người đã tiêm mũi 1 và 142.209 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 15 ca F0 cộng đồng tại huyện Tân Hồng, Tam Nông và Cao Lãnh. Ngành chức năng đã truy vết các ca nhiễm mới phát hiện ngoài cộng đồng. Đến nay, Đồng Tháp đã tiêm 795.311 liều vaccine phòng COVID-19 mũi 1 (đạt 67,33% dân số) và 96.586 người đã tiêm đủ 2 mũi (đạt 8,18% dân số tỉnh).

4 ngày qua, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 295 ca nhiễm COVID-19, trong đó 118 ca cộng đồng. Riêng trong sáng 24/10, tỉnh này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm COVID-19, trong đó 28 ca cộng đồng, 56 ca trong khu cách ly là người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trở về Trà Vinh. Các ca còn lại phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế, khu phong tỏa và khu cách ly. TP Trà Vinh có nhiều ca nhiễm nhất với 29 ca, tiếp đến là huyện Duyên Hải và huyện Châu Thành.

“Tình hình diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các huyện Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú và hiện đang lan qua các khu vực khác", bác sĩ Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh nói. Trong đó, nhiều chùm ca bệnh chưa xác định nguồn lây.

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận hơn 20.000 trường hợp người từ các tỉnh, thành trở về và ghi nhận hơn 500 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tỉnh Trà Vinh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đến ngày 24/10 đã tiêm 400.000 liều vaccine mũi 1 (đạt 56% tỷ lệ dân số) và 57.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Thái Cường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm