Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có chủ sở hữu Nhà nước mới
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đổi tên thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu trước ngày 1/1/2013; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm các chức danh quản lý Tổng Công ty theo thẩm quyền; Phê duyệt điều lệ tổ chức, hoạt động của Tổng Công ty; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các cơ chế để đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính công ích cho giai đoạn sau 2013.
Theo quyết định, Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu trước ngày 1/1/2013; hoàn thành việc bàn giao đủ vốn điều lệ cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam theo quy định trước ngày 31/12/2012; hoàn thành việc phân chia và bàn giao tài sản giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trước ngày 31/12/2012.
Cơ cấu, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh
Về cơ cấu quản lý, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có vốn điều lệ là 8.122 tỷ đồng.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gồm: Thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cung cấp các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí trong và ngoài nước; đại lý dịch vụ viễn thông, bán lại dịch vụ viễn thông;...
Tại thời điểm chuyển giao, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: 63 Bưu điện tại các tỉnh, thành phố; công ty Phát hành báo chí Trung ương; Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện (thành lập mới); Công ty Vận chuyển đường trục (thành lập mới trên cơ sở tổ chức lại mạng vận chuyển đường trục và dịch vụ kho vận); Công ty Datapost (thành lập mới trên cơ sở tổ chức lại 5 Trung tâm Datapost trực thuộc 5 Bưu điện tỉnh, thành phố hiện nay).
Ngoài ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có 4 công ty con, gồm: 1- Công ty TNHH một thành viên Tem Bưu chính; 2- Công ty TNHH một thành viên In Tem Bưu điện; 3- Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện; 4- Công ty cổ phần Du lịch Bưu điện. Các công ty liên kết gồm các công ty liên doanh, công ty cổ phần hiện có mà Tổng công ty nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Các đơn vị thành viên khác được thành lập theo chiến lược phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và quy định của pháp luật.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được tham gia cung ứng các dịch vụ công của Nhà nước như chi trả bảo hiểm xã hội, các dịch vụ về chuyển phát,… đến người dân phù hợp với ngành, nghề kinh doanh và mạng lưới của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, được tham gia vào các chương trình thông tin và truyền thông của Nhà nước về nông thôn để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được vận dụng chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định hiện hành trong quá trình chuyển đổi này. Nguồn kinh phí lấy từ Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chia cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và nguồn trợ cấp mất việc làm của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam trích lập từ khi thành lập đến nay.
Vân Anh (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo