Văn hóa

Akgae - nỗi khiếp đảm khiến nhiều fandom Kpop 'sứt đầu mẻ trán'

Vì quá cuồng bias, nhiều fan trở nên ích kỷ và xấu tính, không bao giờ nhìn thấy sự công bằng mà chỉ luôn biến idol thành nạn nhân.

6 idol Kpop thế hệ mới có gương mặt 'không chỗ chê' / 3 mỹ nhân Kpop cạnh tranh ngôi vị 'Nữ hoàng quảng cáo'

Akgae là thuật ngữ rút gọn từ cụm tiếng Hàn "akseong gaein paen", nghĩa là "fan cá nhân thâm độc". Từ này chỉ những người là fan duy nhất của một thành viên trong mỗi nhóm nhạc và có thái độ ghét bỏ, thường xuyên công kích và hạ thấp những thành viên khác. Akgae khác với fan only bởi fan only chỉ quan tâm tới thần tượng, không "gây chiến" với bất kỳ thành viên nào trong nhóm. Akgae được xem là "nỗi khiếp đảm", là nguyên nhân dẫn tới những màn cãi vã gay gắt trong nội bộ fandom và khiến sợi dây đoàn kết của các fandom trở nên lỏng lẻo, thậm chí "tan đàn xẻ nghé".

Akgae là khái niệm rất nổi tiếng trong cộng đồng fan Kpop.
1. Akgae ra đời như thế nào?

Trải qua ba thế hệ Kpop, làng nhạc đã chứng kiến nhiều thay đổi theo thời gian. Ở Kpop thế hệ 1 và 2, thuật ngữ akgae đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến. Thời điểm đó, số fan ít ỏi là akgae hầu như không dám công khai chê bai, chỉ trích các thành viên trong nhóm bởi họ sẽ được xem là "nỗi xấu hổ" và bị cả fandom tẩy chay. Bên cạnh đó, những nhóm nhạc Kpop thế hệ trước cũng không hề đẩy mạnh các hoạt động solo, chỉ tập trung vào những hoạt động chung của nhóm. Chính vì vậy, hầu hết fan của mỗi idol Kpop gen 1, gen 2 là "all-fan" hoặc fan only nhưng vẫn ủng hộ các thành viên khác. Một trong số những nhóm akgae điển hình của Kpop thế hệ đầu chính là akgae của Park Yoo Chun và Kim Jun Su - hai cựu thành viên TVXQ. Ở thế hệ 2, akgae của các thành viên SNSD như Jessia, Yoona, Tae Yeon cũng từng gây ra một số vụ tranh cãi nhưng không rầm rộ nên ít tạo ảnh hưởng đến nội bộ fandom.

Ở Kpop thế hệ 3, nền âm nhạc thần tượng Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ với độ phủ sóng lan tới nhiều quốc gia trên thế giới, nới rộng tầm ảnh hưởng tới công chúng và có cả sự hỗ trợ của công nghệ, truyền thông mạng xã hội. Ở Kpop gen 1 và gen 2, các idol tập trung vào lĩnh vực chính là ca hát, một số tham gia show tạp kỹ hoặc đóng phim sau khi đã ra mắt lâu năm. Sang tới lớp đàn em, các idol được hướng hoạt động solo từ sớm, không chỉ ca hát mà còn làm MC, diễn viên, người mẫu quảng cáo... Xu hướng hoạt động quảng bá cá nhân phát triển đã dẫn tới văn hóa hoạt động của các fandom cũng thay đổi nhiều so với trước đây.

EXO có nhiều hoạt động solo.
Wanna One - boygroup bước ra từ show sống còn Produce 101.

Nhiều người vì biết tới idol trong tư cách solo, nên chỉ yêu thích chính người đó mà không quan tâm tới nhóm nhạc đang hoạt động của họ. Một số khác ban đầu là fan chung cả nhóm, nhưng vì nhiều nguyên nhân lại rời fandom và trở thành fan only, thậm chí là akgae. Lý do khác khiến akgae xuất hiện rộng rãi trong Kpop gen 3 là sự ra đời và nở rộ của các show thực tế, các chương trình tuyển chọn thành viên của show sống còn, đặc biệt là chuỗi Produce 101 (từ 2016).

2. Những đặc điểm của một akgae 'điên cuồng'

Đối với akgae, idol của họ là "số một", "đỉnh nhất", "không ai sánh bằng", "xứng đáng tỏa sáng nhất". Tâm lý này xuất phát từ tình yêu dành cho thần tượng quá lớn, trở thành một "nỗi ám ảnh". Vì quá "cuồng" bias (thành viên yêu thích nhất trong nhóm), akgae sẽ trở nên ích kỷ, khó nhìn thấy được sự công bằng, lúc nào cũng chỉ muốn phần có lợi cho người mình hâm mộ. Những fan này còn sẵn sàng hạ bệ những thành viên cùng nhóm để chứng minh bias của mình là nhất. Họ cũng thường xuyên soi mói và chỉ trích thậm tệ nếu cho rằng các thành viên khác có thái độ, cư xử "không đúng mực" với thần tượng.

Những đặc điểm điển hình của một akgae:

 

- Luôn nghĩ idol của mình không được đầu tư đúng mức/nghĩ một thành viên khác chiếm hết spotlight của idol mình

- Luôn cho rằng cả nhóm đang làm ngáng chân idol của mình, luôn chỉ trích và tìm cách dìm hàng những thành viên 'tiềm năng' trong nhóm

- Không bao giờ tin có chuyện một người lại thích được cả nhóm, họ cho rằng những người như thế là kẻ giả tạo

- Họ nghĩ idol của mình là thiệt thòi nhất/biến idol của mình thành nạn nhân

- Họ cho rằng những chủ đề nói xấu idol trên mạng xã hội đều là do fan của các thành viên khác trong nhóm viết

 

- Họ không nghĩ bản thân mình là akgae

3. Những fandom 'sứt đầu mẻ trán' vì akgae

Akgae thời nào cũng có, nhưng chỉ từ khi trào lưu sản xuất show sống còn nở rộ, akgae mới công khai mọc lên nhan nhản. Trong những show tuyển chọn như Sixteen, Produce 101... các thực tập sinh cạnh tranh nhau suất debut và có sẵn một lượng fan only từ trước khi ra mắt. Tâm lý ganh đua thành tích đã khiến một bộ phận fan only trở thành akgae, luôn xem bias của mình là số một, là người xứng đáng chiến thắng và họ không muốn công nhận idol khác đứng "ngang hàng" với bias của mình.

Năm 2017, khi Wanna One - boygroup bước ra từ Produce 101 ra mắt, mỗi thành viên trong nhóm đều có một lực lượng akgae hùng hậu. Vì đây là một show sống còn, thứ hạng của thí sinh được xếp dựa trên sự bình chọn từ công chúng, nên gây ra rất nhiều mâu thuẫn. Các akgae của mỗi thành viên đều có thể cảm thấy bias của họ xứng đáng nhận được nhiều/xếp hạng cao hơn thế. Tư tưởng đó khiến họ công kích những thành viên còn lại, và chỉ muốn idol của mình là số một. Fandom của Kang Daniel - quán quân của Produce 101, và fandom của Park Ji Hoon - á quân, thường xuyên đối nghịch, tranh cãi kịch liệt. Akgae của Kang Daniel từng lộ tin nhắn chat nhóm, trong đó có những bình luận công kích Park Ji Hoon - một "mẩu" khác trong nhóm Wanna One. Họ gọi Park Ji Hoon là một con người giả tạo và mưu mô, chê bai tài năng của á quân Produce 101. Một số akgae còn tuyên bố tấn công fan của Park Ji Hoon trong showcase debut vì quá căm ghét. Ngược lại, akgae của Kang Daniel cũng "không vừa". Họ cho rằng với tư cách quán quân, Kang Daniel đã bị đối xử bất công, ít được lên hình và ít được đứng vị trí center như công ty hứa hẹn.

Black Pink là nhóm nhạc nổi tiếng về tình trạng lục đục trong nội bộ fandom, nơi các akgae thường xuyên "xé" nhau dữ dội.

Sự ganh đua danh tiếng, so bì trang phục - line bài hát - vị trí đứng giữa các thành viên trong một nhóm cũng tạo ra vô số chuyện "đau đầu" cho fandom. Bên cạnh đó, có những trường hợp công ty quản lý/nhãn hàng cố tình dùng chiêu trò để đẩy doanh thu, kích thích sự phát triển danh tiếng của từng thành viên, kích war nội bộ và "tạo cơ hội" để akgae "lộng hành".

Điển hình là trường hợp của Black Pink. Girlgroup nhà YG được xem là nhóm nhạc sở hữu ít all-fan và lại nhiều akgae nhất. Từ khi debut, fandom Blink đã không được đoàn kết như những fandom khác do những so kè đến từ các nhóm fan only. Lợi dụng đặc điểm này, YG đã "chơi chiêu bẩn", thường xuyên tạo tranh cãi với những vụ ồn ào như Lisa phải mặc đồ cũ, Ji Soo ít được lên hình, Rosé là main vocal nhưng phải chia line cho Jennie... Ưu điểm của chiến lược này là Black Pink có độ nổi tiếng rất đồng đều trong nhóm, mỗi thành viên đều có fanbase mạnh, trung thành và chịu chi cho bias. Các nhãn hàng cũng rất thích lựa chọn các thành viên Black Pink làm người mẫu quảng cáo. Tâm lý cạnh tranh thành tích của akgae sẽ dẫn đến những cuộc đua số lượng tạp chí bán ra hay những mặt hàng nào sold out đầu tiên. Tuy nhiên, hậu quả là khiến Blink nhiều phen "sứt đầu mẻ trán", tranh cãi nảy lửa và mất tinh thần đoàn kết chung.

 

Trong các akgae của Black Pink, akgae của Lisa là nhóm fan "nổi trội" bậc nhất. Những người này thường xuyên cho rằng Lisa là người chịu thiệt thòi, bị YG và Black Pink "ức hiếp" quốc tịch Thái Lan. Nhóm fan luôn đề cao những đóng góp của họ vào các chiến dịch chi tiền cho nhóm, và yêu cầu YG phải đầu tư xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Akgae của Lisa này cũng thường xuyên tâng bốc bias, công kích Jennie, chỉ trích YG vì đã push một thành viên kém tài, kém sức hút so với bias. Akgae của Lisa cũng soi mói những hành động của các thành viên khác dành cho Lisa, từ đó châm ngòi cho mâu thuẫn trong nội bộ Blink ngày càng sâu sắc.

Gần đây nhất, trong màn comeback của Black Pink, akgae của Ji Soo lại là những nhân vật "hăng hái" nhất. Vì quá ấm ức sau những lần YG "đối xử bất công" với Ji Soo, họ thường xuyên "biến idol thành nạn nhân", đòi hỏi những yêu cầu dành cho bias. Mặc dù trong mắt của non-fan, Ji Soo đã được YG dành cho những bộ cánh, tạo hình đẹp lung linh trong teaser, thì akgae lại không cho là như vậy. Akgae của Ji Soo còn bị fan của Jennie, Rosé chỉ trích thậm tệ vì phá hỏng không khí ăn mừng comeback trong thời điểm YG dồn dập tung teaser How you like that.

BTS có lượng all-fan đông đảo nhưng akgae cũng không ít, đặc biệt là akgae của Ji Min, Jung Kook và V.

Maknae-line nhà BTS: Ji Min - V - Jung Kook là ba thành viên nổi tiếng nhất, và cũng sở hữu lượng akgae hùng hậu nhất nhóm. Vì tâm lý ganh đua thành tích và danh tiếng của bias, akgae 3 anh chàng này thường xuyên cãi vã, so kè từ line bài hát, các chiến dịch ăn mừng sinh nhật idol, cho đến lượng đóng góp album nhà nào nhiều nhất. Akgae của Jung Kook thường xuyên bash Ji Min vì cho rằng anh chàng được Big Hit push quá đà. Trong khi đó, akgae của Ji Min nhiều lần bị cộng đồng Army chỉ trích sau những hành động "chơi xấu" với Jung Kook. Ngày 1/9/2019, Headliner - một trong những fansite lớn nhất của Jung Kook, gây sốc cộng đồng fan khi bị rò rỉ tin nhắn nói xấu nam thần tượng. Trong đoạn tin nhắn, master Headliner chửi Jung Kook là "thằng điên" vì đã không gửi lời cảm ơn fan sau khi fan chuẩn bị nhiều hoạt động chúc mừng sinh nhật hoành tráng trong 2018. Không ít người thất vọng về Headliner, fansite đã theo Jung Kook từ những ngày đầu debut. Điều đáng nói, cuộc hội thoại này đã diễn ra năm ngoái nhưng đến sinh nhật năm 2019 của Jung Kook mới bị công khai, từ chính một akgae fansite của Ji Min. Hành động cố ý tạo "drama" vào dịp sinh nhật Jung Kook của fan Ji Min bị chỉ trích dữ dội. Đến ngày 17/9, khi Jung Kook lộ ảnh ôm từ phía sau một cô gái dẫn đến tin đồn hẹn hò, fan của anh chàng cho rằng chính akgae Ji Min đã cố ý tung tin để phá hỏng danh tiếng em út BTS. Vụ lùm xùm giữa hai nhóm fan kéo dài suốt tháng 9 năm ngoái, gây ra lục đục nội bộ giữa fan riêng của Jung Kook và Ji Min, khiến hai bên "chiến" nhau căng thẳng.

Trong guồng quay khắc nghiệt của Kpop, nhiều nhóm nhạc tan rã/mất dần đỉnh cao phong độ chỉ sau vài ba năm hoạt động. Những nhóm thần tượng bước ra từ show sống còn cũng có tuổi thọ ngắn ngủi do tính chất thương mại, "ăn xổi ở thì". Chính vì vậy, việc công ty hướng đến những hoạt động solo cho các thành viên là điều đúng đắn. Khi các idol có fanbase cá nhân vững mạnh, họ vẫn có thể "sống tốt" ngay khi không còn hoạt động chung với nhóm. Sự có mặt của akgae có thể xem là một liều kích thích để tăng thêm lợi ích doanh thu, danh tiếng cho idol, nhưng cũng là con dao hai lưỡi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ khiến fandom mất đoàn kết, akgae còn làm giảm hiệu suất hoạt động nhóm, làm đứt gãy teamwork của chính nhóm nhạc và khiến tên tuổi nhóm không thể đi với nhau "đường dài".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm