Vinamotor không chuyển đổi mục đích kinh doanh sau khi "bán đứt" vốn Nhà nước
Trả lời báo điện tử Chính phủ, ông Trung cho biết các nhà đầu tư không thể chuyển đổi mục đích kinh doanh của Vinamotor sau cổ phần hóa là do khi phê duyệt phương án cổ phần hóa, Bộ GTVT đã công bố tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có ngành nghề kinh doanh trực tiếp liên quan, hoặc hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của Công ty mẹ - Vinamotor.
Mặt khác, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỉ đồng, không lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2015. Lô cổ phần này không được chuyển nhượng trong 5 năm.
"Nhà đầu tư phải phù hợp với tất cả các tiêu chí, phù hợp với quy chế Hội đồng Thẩm định năng lực nhà đầu tư. Họ sẽ sàng lọc, đối chiếu các quy định kỹ càng để lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải có yếu tố hỗ trợ cam kết ngành nghề phát triển", ông Trung cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Vinamotor, quy chế mua cổ phần theo lô này chặt chẽ hơn không chỉ là vấn đề tài chính mà đã có những quy định ràng buộc, loại bỏ bớt nhà đầu tư muốn mua doanh nghiệp nhưng không chú trọng phát triển doanh nghiệp mà làm việc khác. Dựa vào những cơ sở trên, vị này khẳng định nhà đầu tư sẽ không thể chuyển đổi mục đích kinh doanh của Tổng công ty sau cổ phần hóa.
Tiết lộ về các nhà đầu tư chiến lược, ông Trung cho biết, ngay khi có chủ trương bán toàn bộ cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại Vinamotor, đã có 4 doanh nghiệp lớn trong nước đăng ký tham gia để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Tổng công ty.
Tuy nhiên, điều này về mặt pháp lý thì không có cơ sở. Khi nào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt giá cổ phần và niêm yết công khai giá cổ phiếu lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì mới xuất hiện những nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đấu giá. Do đó, đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được nhà đầu tư chiến lược.
Liên quan đến phương án bán cổ phần theo lô tại Vinamotor, ông Trung cho biết, kể từ khi Chính phủ có quyết định số 41/2015 về việc bán cổ phần theo lô tại các doanh nghiệp, Vinamotor là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện bán cổ phần nhà nước còn lại theo cơ chế này. Dự kiến việc bán đấu giá sẽ hoàn tất trước ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có quy định về phương án bán cổ phần theo hình thức này để doanh nghiệp làm theo, nên Bộ GTVT đã phải làm văn bản gửi Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan không làm chậm tiến độ bán cổ phần tại doanh nghiệp.
Theo ông Trung, hiện nay, tỉ lệ vốn nhà nước còn lại tại Vinamotor còn khoảng 97%, sau cuộc đấu giá lần đầu tiên hồi tháng 3/2014. Tổng số cổ phần chào bán hiện nay là 85,58 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần nhưng được chào bán với giá khởi điểm là 14.612 đồng/cổ phần, tương đương với tổng giá trị chào bán là 1.250 tỉ đồng.
Giá khởi điểm này được thẩm định và phê duyệt trên cơ sở các phân tích về thị trường chứng khoán, giá trị thực tế và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tính đến tháng 10/2015 (thời điểm phê duyệt giá bán). Tuy vậy, mức giá khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần vẫn chưa có sự phê duyệt, bởi vẫn đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “chốt” lại thì mới được đưa ra con số cuối cùng.
Đươc biết, cùng với việc bán hết vốn nhà nước tại Vinamotor, Chính phủ cũng đồng ý bán hết vốn nhà nước tại CTCP đầu tư và phát triển vận tải, Nhà máy cơ khí công trình, cũng là các doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc Vinamotor.
End of content
Không có tin nào tiếp theo