Bi hài chuyện học thể dục, âm nhạc, mỹ thuật online qua Zoom
Covid-19: Bi hài chuyện dạy học online qua ứng dụng Zoom trong ngày đầu tiên / Bi hài chuyện dạy học online qua Zoom: Cả giáo viên và phụ huynh đều bức xúc
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu 1 tuần nhiều tỉnh, thành đã phải cho học sinh nghỉ học ở nhà để học trực tuyến. Việc triển khai học trực tuyến là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đã tấn công vào trường học. Khi mà một số trường học ở Hà Nội, Hải Dương đã phải thực hiện cách ly tập trung giáo viên và học sinh tại trường khi có học sinh bị nhiễm Covid-19. Song việc triển khai học online ở nhà cũng có nhiều bất cập khiến cả giáo viên, phụ huynh và học sinh rơi vào những pha “cười ra nước mắt”.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành văn bản thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường, thực hiện dạy và học trực tuyến từ 2/2/2021, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Do đã có kinh nghiệm triển khai học trực tuyến trong đợt dịch giữa năm 2020 nên chỉ sau khi có thông báo 1 hôm là các trường ở Hà Nội đã có thể triển khai dạy học trực tuyến.
Học Zoom miễn phí: Cô đang giảng bài bỗng dưng "biến mất"
Tuy nhiên, do nhiều trường công lập ở Hà Nội dạy học qua ứng dụng Zoom (bản miễn phí) nên bị giới hạn thời gian học, cứ 40 phút ứng dụng tự ngắt và khi đó học sinh và cô giáo phải đăng nhập lại mới học được.
“Cứ sau mỗi tiết học, rất nhiều phụ huynh chat vào trong nhóm là con bị thoát ra nhưng không vào lại được. Có khi hết giờ học vẫn có phụ huynh hỏi nhau xôn xao rằng lớp đã vào học chưa vì con họ không vào được”, chị Đỗ Quyên, có hai con đang học lớp 3 và lớp 6 ở Hà Nội cho hay.
Theo anh Châu Phan, (phụ huynh học sinh của trường THCS thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội), trường cho học trên bản Zoom miễn phí nên ngày nào cũng có tình trạng khi cô đang giảng bài phải dừng lại để căn dặn học sinh là “còn 5 phút nữa bị out ra thì các con đăng nhập lại ngay để học tiếp”. Điều này khá là bất tiện, đó là chưa kể việc bị giới hạn số lượng người học. Lớp có gần 60 em nhưng chưa có buổi học nào đủ cả lớp, thường thiếu từ 5-10 em do các em đăng nhập sau không vào được lớp.
Thêm vào đó, nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện để mua máy tính riêng cho các con học, cũng không có điện thoại thông minh nên những em này sẽ không có cơ hội tham gia học trực tuyến. Một số gia đình bố mẹ đi làm đành phải để điện thoại ở nhà cho con học, còn mình đi làm trong tình trạng không ai có thể liên lạc được.
“Do hai con tôi học trực tuyến trùng giờ, nên gia đình phải mua hai laptop cho con học, nhưng không phải ai cũng có điều kiện sắm sửa như vậy. Lớp con tôi có nhà khó khăn mà có 2-3 con học trực tuyến cùng giờ nên không đủ thiết bị học. Một số nhà thì không có mạng Internet riêng, phải dùng nhờ Wi-Fi hàng xóm, nên mạng yếu, chập chờn, đang vào lớp lại bị out ra do mạng yếu”, anh Châu Phan cho biết.
Theo anh Đinh Đệ (xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội), gia đình anh có hai cháu nhỏ học trực tuyến qua điện thoại, nhưng do nhà ở trong thôn sát chân núi Ba Vì, nên sóng 3G yếu, chập chờn, thường xuyên rơi vào trạng thái đang học thì bị ngắt kết nối. Bố mẹ cháu đi làm, các cháu ở nhà học trực tuyến qua điện thoại khá là khó khăn, trong khi ông bà cũng không biết để có thể hỗ trợ kỹ thuật.
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, học trực tuyến đối với các cháu lớp 1, lớp 2 cũng rất khó vì cần sự hỗ trợ từ phụ huynh hướng dẫn các con sử dụng thiết bị đăng nhập vào lớp học, cũng như kèm cặp các con chú ý nghe giảng. Tuy nhiên rất nhiều gia đình không có người lớn ở nhà trong lúc các con học, nên hiệu quả học cũng không cao.
Chính vì điều này mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ngừng dạy trực tuyến đối với lớp 1, lớp 2. Còn một số trường học ở Hà Nội phải linh hoạt bố trí giờ học vào buổi tối để dạy cho học sinh khối lớp 1. Giờ học thường bắt đầu từ 19h hoặc 19h30, tùy từng trường và không kéo dài quá 21h. Việc cho học sinh lớp 1 học trực tuyến vào buổi tối nhằm thuận tiện để cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ con học.
Việc học trực tuyến tại các trường công vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng tới hiệu quả dạy và học.
Bi hài chuyện học thể dục, âm nhạc, mỹ thuật online
Bi hài nhất là một số môn học như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật cũng được nhiều trường dạy online, nhiều người cho rằng việc tổ chức học các môn này khá là cứng nhắc, dạy theo kiểu cho hết tiết, cho xong chuyện. "Tôi không hình dung nổi học thể dục online thì học kiểu gì, nhất là với cấp tiểu học", chị Đào Lan, ở Hà Nội nói.
Anh Lê Tuấn Hùng, giáo viên dạy âm nhạc ở vùng dịch Kinh Môn, Hải Dương cho hay, bản thân anh đã có đề xuất không nên dạy nhạc, thể dục, mỹ thuật online vì không hiệu quả. Học trò và thầy giáo dạy nhau hát qua mạng cứ như cãi nhau. Tuy nhiên ý kiến của anh không được chấp thuận, nên đến giờ học âm nhạc anh đành mở các nhạc cho các con nghe giải trí là chính.
Anh Châu Phan cho hay, giờ học thể dục trực tuyến các con phải chỉnh camera sau đó đứng dạy tập, chạy nhảy huỳnh huỵch theo hướng dẫn của thầy giáo. Nhìn các con tập cũng vui mắt, nhưng thực chất các động tác cũng không đúng như hướng dẫn. Thực tế nhìn các con học thể dục online rất hài hước. Còn giờ mỹ thuật thì cô giáo gửi cho một file hình vẽ, phụ huynh tự in ra và dạy con vẽ, điều này rất bất cập cho phụ huynh vì không phải ai cũng có khả năng dạy con vẽ, làm thầy của con thay cô giáo được.
“Với môn âm nhạc thì cô giáo yêu cầu phụ huynh quay clip con hát để gửi báo cáo cô. Điều này thật là “cực hình” bởi vì bố mẹ nịnh cả tối có khi con không chịu hát cho mà quay phim”, anh Châu Phan cho biết. Khá nhiều phụ huynh bức xúc vì quá tốn công sức để thực hiện các yêu cầu của cô.
Về vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, học trực tuyến ở cấp tiểu học chỉ cần dạy những môn chính như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, còn các môn khác khi đi học tại trường sẽ dạy bù. Tương tự ở bậc THCS hay THPT cũng không nên máy móc dạy tất cả các môn như: Thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công qua trực tuyến. "Tôi cho rằng vào giờ học các môn thể dục, âm nhạc thì thầy cô nên thay bằng các giờ chia sẻ kỹ năng sống, chia sẻ kinh nghiệm ôn bài, kinh nghiệm thi cử cho các con sẽ hiệu quả hơn", chị Thanh Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, việc tổ chức học các môn như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công sẽ giúp các con thư giãn sau những tiết học khác. Và đồng thời cũng giúp các thầy cô dạy các môn phụ này khỏi bị "thất nghiệp" tạm thời, trong khi các đồng nghiệp khác vẫn lên lớp online hàng ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo