Chuyển đổi số

Con học trực tuyến qua Zoom, bố mẹ bức xúc vì quá mệt mỏi và căng thẳng

DNVN - Việc Zoom miễn phí liên tục bị lỗi đăng nhập, tự out ra, rồi chuyện phụ huynh phải in ấn nhiều bài tập cho con làm, chụp ảnh Zalo báo cáo cô, quay clip con tự học một số môn kỹ năng gửi cô, đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy quá mệt mỏi khi con học trực tuyến ở nhà.

Dạy học Online: Bi hài với những tình huống “khó đỡ” trong lớp học trực tuyến / 5 bước đơn giản để biến Camera giám sát thành Webcam học trực tuyến xịn xò

Tính đến ngày 13/4 là đúng 1 tuần Hà Nội và các tỉnh triển khai cho học sinh học trực tuyến. Việc áp dụng học trực tuyến là phương pháp tốt nhất trong thời gian học sinh nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, những bất cập trong việc ứng dụng phần mềm Zoom miễn phí khiến phụ huynh bức xúc vẫn còn nguyên, bản thân các cô giáo cũng rất vất vả nhưng cũng chỉ biết an ủi phụ huynh chia sẻ cùng khó khăn với các cô.

Chị Q.P có con học tại trường tiểu học K.Đ, quận Thanh Xuân cho biết, nhà trường triển khai học trực tuyến trên Zoom từ 6/4, đến nay vừa tròn 1 tuần nhưng những bất cập trong học trực tuyến qua Zoom chưa được giải quyết. Do nhà trường dùng bản miễn phí nên có giới hạn về chất lượng khi học rất lớn. Ví dụ, cứ 40 phút là bị tự động out ra, có khi cô đang giảng chưa hết câu thì các con không nhìn thấy cô đâu nữa vì ứng dụng bị tắt đột ngột, các con lại bị out ra, phải đăng nhập lại vào lớp.

Một lớp trường công số lượng học sinh rất đông, lên tới gần 60 học sinh, do bản free bị giới hạn số người dùng nên buổi học cũng có tầm khoảng hơn 10 em là không vào được. Cứ giờ vào lớp là group phụ huynh nhốn nháo vì nhiều bố mẹ kêu con mình chưa vào được, có khi học hết nửa tiết, thậm chí là cả tiết vẫn nhiều phụ huynh chat vào nhóm là con không đăng nhập được. Buổi sáng ngày 13/4 tình trạng này ở một lớp 5 thuộc trường K.Đ vẫn tái diễn. Cô giáo nghe phản ánh cũng lực bất tòng tâm, cô giáo chỉ biết mong bố mẹ thông cảm và cố gắng đăng nhập lại cho con.

Bên cạnh việc liên tục bị out ra, bị lỗi đăng nhập thì hình ảnh và âm thanh rất kém, thường bị rung giật, nhà nào dùng máy tính PC hoặc Laptop còn đỡ khó chịu, chứ những gia đình cho con học trên điện thoại, rất khó để theo dõi bài.

Do mỗi tiết lại thay một cô, nên việc các cô thay nhau vào làm host để giảng bài cũng có vấn đề. “Có hôm hết tiết Toán, đến giờ Tin học nhưng cô giáo Tin loay hoay mãi không đăng nhập vào làm host được. Cô cầu cứu vào group phụ huynh xem có ai biết cách để giúp cô vào host được không, nhưng rốt cuộc cô không có cách nào vào lớp để dạy được. Các con ngồi chờ mãi không thấy cô đâu, còn cô thì cứ loay hoay suốt cả tiết không thể vào được”, chị Q.P cho biết.

Chính do bản Zoom miễn phí chất lượng kém nên một lớp có gần 60 con nhưng thường mỗi tiết học chỉ có khoảng 40-45 em vào học được, còn lại cô phải gửi bố mẹ tài liệu qua Zalo để tự học, vì con không vào được, hoặc những con đang ở quê với ông bà cũng không thể theo dõi học được.

Con học online ở nhà, bố mẹ phải hỗ trợ nhiều ảnh hưởng tới công việc làm ở nhà, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Con học online ở nhà, bố mẹ phải hỗ trợ nhiều ảnh hưởng tới công việc làm ở nhà, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Thêm một bất cập vô cùng lớn với nhiều phụ huynh, đó là số lượng bài làm nhiều, nhất là các môn tiếng Anh, tiếng Việt, Toán, hàng tuần cô gửi bài học và bài tập qua Zalo cho bố mẹ in ra cho con theo dõi và làm bài tập. Số lượng bài cần in khá nhiều, từ thời khóa biểu, đến nội dung học và làm bài tập từng môn, ngày nào ít thì 1-2 trang, ngày nào nhiều thì 10-15 trang. Khó khăn lớn nhất là các cửa hàng in đã đóng cửa, nhiều nhà không tìm được chỗ in bài cho con. Nhà có điều kiện thì sắm máy in tầm từ 2-4 triệu đồng, hoặc nhiều bố mẹ làm văn phòng có thể in nhờ máy của cơ quan.

Nhưng với những người làm kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, máy tính còn chưa có, phải cho con học trên điện thoại, thì việc in bài là khó khăn rất lớn. Có một số gia đình bố mẹ làm công nhân, lao động phổ thông đang mất việc làm do dịch Covid-19, nên việc trang bị máy tính và các thiết bị tai nghe, mic, máy in cho con học trực tuyến là điều không thể, dù họ đã rất cố gắng.

Chị Thùy Dung, ở tổ 3 Khương Đình có con đang học lớp 3 cho biết: “Tôi chỉ cho con nghe giảng trên điện thoại, chứ nhà không có máy tính, máy in, nên con tiếp thu được đến đâu thì tiếp thu, còn không thì đành chịu cho con thất học, chứ không thể sắm máy tính và máy in ngay lúc này”.

Anh Bá Quỳnh, đang ở Quốc Oai, Hà Nội cũng cho biết: “Ở vùng quê thì khó có điều kiện cho con học trực tuyến được. Ngoài chuyện thiếu thiết bị như máy tính, máy in, điện thoại thông minh thì việc hỗ trợ kỹ thuật cho con học rất khó vì bố mẹ làm nông, không sử dụng máy tính, điện thoại thông minh thì lấy đâu thiết bị cho con học. Thôi đành chịu để con thất học chứ biết làm sao”.

Nhiều phụ huynh còn phản ánh, một số môn kỹ năng như kỹ thuật, vẽ, hát, thủ công, thể dục, cô giáo không dạy mà yêu cầu các con tự học, bố mẹ quay clip các con học ở nhà để gửi cô. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh, vì các con học tiểu học, không thể tự học, bố mẹ cũng không có kỹ năng giảng dạy, nay phải dạy con đã lúng túng, xong lại quay clip, rất mất thời gian mà ảnh hưởng tới thời gian làm việc ở nhà của bố mẹ.

“Tôi làm việc ở nhà, vừa hỗ trợ kỹ thuật con lúc học, vì Zoom cứ bị out suốt. Lại còn phải bảo con hát để quay video gửi cô. Mà bảo con mãi nó không hát, cũng đành chịu”, chị Thủy Phương chia sẻ.

“Tôi cảm thấy rất mệt, làm việc ở nhà không thể yên được. Luôn phải cập nhật tin nhắn của cô, nếu mẹ bận việc mà lỡ là con lại bỏ một buổi học online. Rồi thỉnh thoảng bị out, mất tiếng mẹ lại phải cứu trợ, mà cô hỏi bài, con trả lời cô không nghe được còn phê bình con là không tập trung. Bố mẹ giờ làm thay công việc của giáo viên nhiều, cảm thấy rất mệt mỏi và ảnh hưởng tới công việc làm online ở nhà”, chị Hợp Bích cho hay.

Nhà anh Hoàng Công Bính ở TP.Thái Nguyên đã phải sắm máy in để cho con học trực tuyến.

Nhà anh Hoàng Công Bính ở TP.Thái Nguyên đã phải sắm máy in để cho con học trực tuyến.

Chị Bùi Mai Thủy cho rằng: “Đúng là rất nhiều thầy cô dạy online nhưng chưa thay đổi cách nghĩ, cách dạy. Hôm trước tôi đã góp ý với nhà trường, bố mẹ cũng phải làm việc ở nhà thì không phải ai cũng có máy in ở nhà, nên cần hạn chế việc in bài tập. Các cô nên dùng hệ thống hỗ trợ dạy học trực tuyến như quizziz, kahoot và chịu khó đưa bài tập lên đó để các con làm trực tuyến đỡ phải in ấn nhiều giấy tờ”.

Việc giáo viên yêu cầu bố mẹ in bài tập, rồi các con làm xong, bố mẹ lại chụp ảnh, gửi qua Zalo cho cô kiểm tra thực sự làm nhiều gia đình cảm thấy mệt mỏi. “Tôi có hôm 23h con làm xong bài mới chụp ảnh gửi cô, mà gửi một lúc cả hơn chục trang. Vì cô có yêu cầu là con nào không nộp coi như chưa hoàn thành bài học, nên bố mẹ cứ phải chạy theo mỗi khi con học, thực sự rất mệt và căng thẳng”, chị Q.P cho biết.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm