Chuyển đổi số

Bộ Công Thương ban hành Quy chế quản lý hoạt động kết nối dữ liệu số

Quy chế quản lý hoạt động kết nối dữ liệu số của Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (Hệ thống eCoSys) với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (Tổ chức VAN) vừa được ban hành.

Sắp diễn ra vòng chung kết cuộc thi Design Thinking - Open Innovation 2023 / Lâm Đồng: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Giao diện hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (Hệ thống eCoSys). Ảnh:congthuong.vn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 2355/QĐ-BCT ban hành Quy chế quản lý hoạt động kết nối dữ liệu số của Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (Hệ thống eCoSys) với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (Tổ chức VAN).

Theo Quy chế của Bộ Công Thương, các hoạt động quản lý, kết nối dữ liệu số của Tổ chức VAN bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số, kết nối hạ tầng kỹ thuật; quyền và trách nhiệm trong kết nối dữ liệu và các hoạt động khác có liên quan.

Quy chế cũng nêu rõ, cấm các hành vi: mua bán, trao đổi dữ liệu trái quy định của pháp luật; làm sai lệch dữ liệu trong quá trình lưu chuyển dữ liệu; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, làm gián đoạn việc kết nối dữ liệu; vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo vệ thông tin các nhân khi kết nối dữ liệu.

Về nguyên tắc cung cấp, quản lý và sử dụng thông tin, Bộ Công Thương quy định, thông tin, dữ liệu cung cấp phải đảm bảo đầy đủ theo cấu trúc, định dạng do Bộ Công Thương cung cấp.
Hơn hết, thông tin, dữ liệu được cung cấp về máy chủ của Bộ Công Thương phải đảm bảo theo trình tự thời gian. Máy trạm của Tổ chức VAN gửi dữ liệu và máy chủ của Bộ Công Thương phải được đồng bộ với thời gian chuẩn quốc gia theo chuẩn NTP (Network Time Protocol).

Bên cạnh đó, thông tin, dữ liệu cung cấp phải bảo đảm kịp thời, chính xác, đầy đủ, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu trước, trong hoặc sau khi truyền dữ liệu. Đồng thời, thông tin, dữ liệu cung cấp được sử dụng theo quy định của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, được sử dụng trong quản lý nhà nước.

 

Mặt khác, Quy chế yêu cầu phải công khai thông tin về đầu mối phụ trách kết nối; các thông tin về sự sẵn sàng kết nối dữ liệu; tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu, quyền riêng tư của các tổ chức.

Quy định về thông tin được Bộ Công Thương nêu rõ trong Quy chế rằng: Thông tin cung cấp được chia thành hai loại, bao gồm các thông tin nhận dạng mặc định và các thông tin cập nhật liên tục; các thông tin nhận dạng mặc định bao gồm danh sách tổ chức cấp C/O, Danh sách quốc gia, danh sách đơn vị tính và các trường thông tin khác theo yêu cầu theo chuẩn nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương cung cấp.

Theo đó, các thông tin từng bộ C/O bao gồm số C/O, thông tin về hàng hóa xin cấp C/O và các trường thông tin khác theo yêu cầu theo chuẩn nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương cung cấp.

Ngoài ra, Quy chế đề nghị cũng cấp thông tin của đơn vị xin cấp C/O bao gồm mã số thuế, tên đơn vị, số điện thoại và các trường thông tin khác theo yêu cầu theo chuẩn nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương cung cấp.

Bộ Công Thương cho biết, ứng dụng của Tổ chức VAN có chức năng khai báo đến hệ thống tiếp nhận tập trung, chuẩn thông điệp kết nối được cập nhật liên tục theo Hệ thống eCoSys. Giá trị của hồ sơ C/O kê khai tại Ứng dụng của Tổ chức VAN được công nhận và có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ C/O được kê khai trực tiếp qua Hệ thống eCoSys.
Bộ Công Thương cũng quy định rõ điều kiện tham gia thí điểm kết nối dữ liệu với Hệ thống eCoSys đối với Tổ chức VAN là đơn vị có tư cách pháp nhân đăng ký hoạt động tối thiểu 3 năm trở lên (ưu tiên doanh nghiệp đã có dự án hoặc chương trình hỗ trợ thương nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu).

 

Cùng đó, Bộ cũng nêu rõ rằng đơn vị này đang hoạt động bình thường, không vi phạm pháp luật, không nợ thuế; có cơ sở vật chất, hạ tầng mạng và hệ thống phần mềm đáp ứng được yêu cầu kết nối dữ liệu thông suốt, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Đặc biệt, đơn vị phải có phương án kết nối được Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thẩm định và chấp thuận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm