Chuyển đổi số

Bốn kịch bản giúp ngành truyền thông "cất cánh" trong cuộc cách mạng công nghệ số

DNVN - Hiệp hội Báo chí Thế giới đã xác định bốn kịch bản khả quan cho sự phát triển của ngành truyền thông, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi căn bản lĩnh vực báo chí truyền thông và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Quân: Chàng kỹ sư địa chất bén duyên với nghề truyền thông số / Xu thế truyền hình, báo chí tại Việt Nam: Thị trường OTT sẽ tạo 54 tỷ USD vào năm 2026

Theo TS Trần Duy, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi căn bản lĩnh vực báo chí truyền thông và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí.

Dấu hiệu của sự chuyển đổi xuất hiện ở mọi khía cạnh, từ khái niệm, tính chất của thông tin, thói quen sử dụng truyền thông của công chúng đến các định dạng nội dung khác nhau.

Bên cạnh những thách thức về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, kỷ nguyên số hóa truyền thông còn đặt ra những bài toán về cách ngành công nghiệp truyền thông vận hành, các mô hình kinh doanh nội dung mới được khai thác để tạo ra lợi nhuận.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của các trang web tổng hợp (từ tin tức như trang baomoi.com cho đến video như YouTube) cung cấp cho người dùng quyền truy cập các loại nội dung đa dạng nhất. Việc sử dụng các nguồn cung cấp nội dung trung gian, một mặt, dẫn đến việc kéo dài chuỗi phân phối nội dung tới tay người tiêu dùng và có thể dẫn đến tăng giá nội dung.

Cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi căn bản lĩnh vực báo chí truyền thông.

Tuy nhiên, trong phân khúc tổng hợp nội dung ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các tập đoàn lớn mạnh (thường được xây dựng xung quanh các công cụ tìm kiếm như Google hoặc các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Apple), các công ty này có quyền phân phối nội dung với chi phí thấp. Điều này, về nguyên tắc, làm giảm chi phí, hoặc thậm chí cho phép cung cấp nội dung miễn phí đến khán giả.

Trang web tổng hợp trở thành điểm thu hút đối với nhà quảng cáo quan tâm đến quảng cáo có tính phân phối rộng rãi. Tỷ lệ quảng cáo theo ngữ cảnh (gắn với yêu cầu của người dùng) không ngừng tăng lên, trong khi tỷ lệ quảng cáo bằng phương tiện truyền thông đang giảm.

Trong tình huống này, các nhà sản xuất nội dung buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh của riêng họ theo cách để thu hút nhà quảng cáo bằng cách tạo ra các quảng cáo lồng ghép, quảng cáo nhúng vào nội dung.

Từ các yếu tố trên, theo TS Trần Duy, có 2 vấn đề chính trong việc kinh doanh nội dung hiện nay.

Đó là quảng cáo đại chúng rời bỏ truyền hình và phương tiện truyền thông truyền thống chuyển đến các trang web tổng hợp và công cụ tìm kiếm, buộc các phương tiện truyền thống phải tính phí sử dụng hoặc bán nội dung để bù đắp cho sự mất mát.

Đồng thời, tính chuyên nghiệp hóa nội dung ngày càng suy sảm, dẫn đến thực tế là nội dung chuyên nghiệp rơi vào con đường cạnh tranh không thể tránh khỏi với các dịch vụ rõ ràng thành công hơn do có nội dung miễn phí và được sản xuất miễn phí.

Trước bối cảnh trên, Hiệp hội Báo chí Thế giới đã xác định bốn kịch bản khả quan cho sự phát triển của ngành truyền thông về mặt chuyển đổi giá trị của sản phẩm thông tin, bao gồm:

Kịch bản “người sản xuất kiêm tiêu thụ thông tin”: Trong kịch bản này, người tiêu dùng không còn hứng thú với nội dung thông tin được tạo ra một cách chuyên nghiệp mà bị lôi cuốn bởi nội dung do chính người dùng tạo ra.

Mô hình của kịch bản ngày nay có thể được gọi là mạng Facebook. Nhà báo chỉ là người gợi ý chủ đề thông tin, còn tác giả sẽ là công chúng. Mô hình này có lợi thế lớn trong việc thu hút tương tác của độc giả, nhưng tính chuyên nghiệp sẽ là điều bị hy sinh đầu tiên.

Kịch bản “hỗn loạn truyền thông”: Tái tạo các xu hướng hiện có với việc dần dần cá nhân hóa nội dung cho một nhóm công chúng cụ thể. Trong kịch bản này, các tờ báo định hướng rộng sẽ nhường chỗ cho các tờ báo định hướng hẹp hơn, hướng đến nhóm độc giả chuyên biệt hơn.

Hướng đi này sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà quảng cáo đại chúng, bởi nhóm độc giả tiếp cận các sản phẩm chuyên biệt sẽ ít hơn, nhưng bù lại, hiệu quả chuyển đổi của quảng cáo trên các kênh chuyên biệt sẽ cao hơn.

Kịch bản “thế giới thương hiệu” (branded world): Trong kịch bản này, các nhà quảng cáo lớn nhất đang mua lại các kênh truyền thông, từ đó dễ dàng làm việc trực tiếp với người tiêu dùng hơn là trả tiền cho phương tiện truyền thông để tiếp cận khán giả.

Lúc này độc giả sẽ có cơ hội đọc báo miễn phí, bởi các nhà quảng cáo sẵn sàng bù đắp phí phát hành để nội dung đến được với độc giả. Tuy nhiên, hướng đi này tiềm ẩn những hiểm nguy xét từ góc độc đạo đức nghề báo. Những ấn phẩm được phát hành miễn phí sẽ có nguy cơ mất đi ranh giới giữa nội dung quảng cáo và nội dung báo chí, gây hoang mang cho độc giả.

Kịch bản “không quảng cáo”: Kịch bản này giả định rằng người tiêu dùng sẽ trả tiền cho một sản phẩm không có quảng cáo. Quảng cáo đại chúng rời bỏ phương tiện truyền thông chuyển sang các nhà trung gian công nghệ.

Cái khó của mô hình này là không nhiều tờ báo có đội ngũ phóng viên đủ chất lượng để tạo ra những sản phẩm báo chí độc nhất vô nhị, khiến độc giả không tiếc tiền.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm