Chuyển đổi số

Cần tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế lập mạng di động ảo

DNVN - Cho rằng số lượng nhà mạng di động ảo (MVNO) tại Việt Nam còn ít ỏi, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc hệ sinh thái Dịch vụ số, Công ty CP Viễn thông Đông Dương kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế thiết lập MVNO, giảm tối đa các thủ tục cấp phép.

Tài chính số: Cơ sở thúc đẩy kinh tế số, xã hội số Việt Nam / Hạ tầng viễn thông chuyển mình thành hạ tầng số

Quá ít mạng đi động ảo
Tại Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 với chủ đề "Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc hệ sinh thái Dịch vụ số, Công ty CP Viễn thông Đông Dương (ITelecom) cho biết, đến nay Việt Nam mới cấp giấy phép cho 3 công ty MVNO, trong đó Đông Dương là nhà mạng di động ảo đầu tiên, tiếp đến là reddi và mylocal.vn.
"Với số lượng cấp phép ít ỏi, thuê bao của MVNO tại Việt Nam mới chỉ chiếm 2% thị phần dịch vụ viễn thông di động. Do đó, MVNO chưa phát huy hết tiềm năng của thị trường tại Việt Nam", ông Dũng nói.
Nhìn ra thị trường thế giới, ví dụ Trung Quốc có tới 75 mạng ảo, trong đó con số này ở Đức là 54, Mỹ 51, Nhật 21, Pháp 20... Trung bình trên thế giới thị phần thuê bao của MVNO chiếm từ 15 - 20% và đang có dấu hiệu tăng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, còn nhiều không gian để phát triển MVNO tại Việt Nam.
"Không gian cho sự phát triển của MVNO còn rất lớn nếu Việt Nam thực sự tạo điều kiện về chính sách, cơ hội cho thị trường di động ảo để các nhà mạng tập trung vào các thị trường ngách. Mạng di động ảo còn rất tiềm năng.
Nếu chúng ta tạo điều kiện cho mạng di động ảo phát triển tối ưu, cùng với sự tham gia của các DN ở các mảng tài chính, ngân hàng, bán lẻ, giải trí... thị trường MVNO tại Việt Nam hoàn toàn có thể bùng nổ và chiếm 10 - 20% thị phần viễn thông, tương ứng với 15 - 20 triệu thuê bao", ông Dũng nhận định.
Nhiều thách thức
Đánh giá về những thách thức mà các công ty MVNO đang phải đối mặt, ông Dũng cho rằng, có nhiều thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Đó là doanh thu viễn thông truyền thống ngày càng suy giảm, giá dịch vụ dữ liệu của viễn thông ngày càng rẻ hơn. Trong khi đó, các công ty nội dung/nền tảng ngày càng phát triển thay thế. Những công ty nội dung này sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, chỉ số tương tác khách hàng và giữ chân khách hàng, theo đó họ có những mô hình kinh doanh mới hoàn toàn vượt trội. Cùng với đó là việc khách hàng chuyển sang các công ty công nghệ lớn như Google, Netflix, Amazon. Do đó các công ty viễn thông rất khó cạnh tranh. Phải vượt qua thách thức về dòng doanh thu mới.
Thách thức thứ hai là lợi nhuận bị thu hẹp. Trong khi các công ty internet lại có lợi nhuận cao gấp nhiều lần.

Các nhà mạng di động ảo đối mặt với nhiều thách thức.
Thách thức tiếp theo là xây dựng hệ sinh thái số cạnh tranh. Hệ sinh thái số này có những dịch vụ ngoài viễn thông, phải tìm hiểu những "món" mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo dữ liệu mới, tạo dòng lợi nhuận mới.
Thêm vào đó là thách thức trong việc đầu tư công nghệ. Doanh nghiệp cần giải bài toán lựa chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu hệ thống viễn thông và các dịch vụ Internet/dịch vụ số. Các công nghệ BigData, AI/ML là yếu tố thay đổi cuộc chơi về khai thác dữ liệu, trải nghiệm khách hàng và xây dựng mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra là bài toán hiệu quả đầu tư công nghệ.
Ngoài ra, thiếu vai trò của đối tác cung cấp hạ tầng công nghệ (MVNE) cũng gây trở ngại cho các doanh nghiệp.
Cần giảm tối đa các thủ tục cấp phép
Trước thực trạng bức tranh MVNO cũng như thách thức mà doanh nghiệp mạng ảo di động gặp phải, ông Dũng đưa ra 5 kiến nghị.
Thứ nhất, cần làm rõ các loại hình MVNO, MVNE. MVNA (nhà bán buôn lưu lượng) trong văn bản quy phạm pháp luật theo cấu hình mạng phải có, không nên quy định theo lượng đầu tư.
Thứ hai, có quy định cụ thể về bán buôn - bán lẻ lưu lượng giữa Nhà mạng gốc (MNO, MVNO), nhà bán buôn lưu lượng (MVNA) và nhà mạng reseller MVNO để định hình thị trường phân lớp theo chuỗi cung ứng, chuyên môn hóa theo từng công đoạn phân phối và phân khúc thị trường.
Thứ ba, quy định các ràng buộc trách nhiệm của các MNO phải tạo điều kiện cho các MVNO truy nhập mạng và công nghệ của mình. Bổ sung điều kiện khi được phân bổ tần số như cam kết dành 10% - 20% dung lượng cho các MVNO.
Thứ tư, có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế thiết lập mạng di động MVNO, giảm tối đa các thủ tục cấp phép. Riêng về việc cấp phép cho reseller MVNO nên thực hiện theo cấp phép theo nhóm.
Thứ 5, cơ quan quản lý Nhà nước có các quyền và các biện pháp để can thiệp vào giải quyết các tình huống cụ thể trong suốt quá trình hợp tác giữa MNO - MVNO.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm