Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành Y tế - Xu hướng không thể đảo ngược

Cả nước hiện có khoảng 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây là mạng lưới y tế gần dân nhất, tuyến đầu trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nguy cơ AI vượt tầm kiểm soát / Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ chính thức hoạt động

Chú thích ảnh
Người dân được chụp X-quang bằng máy tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Y tế cơ sở làm tốt sẽ góp phần quan trọng để giảm tải cho tuyến trên và quan trọng hơn là giảm chi phí, thời gian cho người dân khi khám, điều trị bệnh, nhất là các loại bệnh mãn tính có thể điều trị tại cơ sở.

Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã khẳng định quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn về tư duy, trách nhiệm và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, toàn bộ hệ thống chính trị đối với y tế cơ sở.

Về tư duy, đó là yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khoẻ cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Về trách nhiệm, đó là yêu cầu về tính chịu trách nhiệm một cách trực tiếp của tổ chức, cá nhân người đứng đầu đối với hoạt động y tế cơ sở.

 

Về hành động, đó là đòi hỏi cao hơn về chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác y tế cơ sở, trong đó đặc biệt quan trọng là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng cho biết, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp và đảm bảo đội ngũ nhân lực này hoạt động một cách hiệu quả trong việc cung ứng các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng dân cư là yêu cầu được nhần mạnh trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư. Thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan tới phát triển nhân lực y tế cơ sở và triển khai thực hiện các giải pháp mang tính cốt lõi nhằm thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững đội ngũ nhân lực y tế cơ sở, trong đó có nhóm giải pháp đào tạo (đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo cập nhật liên tục…), nhóm giải pháp tái phân bổ nhân lực y tế (luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế…) và nhóm giải pháp về ưu đãi nhằm thu hút nhân lực (chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân lực…).

Khẳng định những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng được nêu trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng cho rằng, đối với tự thân mạng lưới y tế cơ sở, những định hướng này giúp nâng cao năng lực toàn diện (bao gồm năng lực chuyên môn, quản lý và tài chính) một cách bền vững.

Đối với hệ thống y tế nói chung, những định hướng này hỗ trợ việc kiến tạo một Hệ thống Y tế cân bằng hơn giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, qua đó giúp cải thiện tính công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, cải thiện tác động tới thực trạng sức khỏe của người dân.

Với cộng đồng dân cư, những định hướng này giúp người dân tối ưu hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe (thông qua việc chủ động nâng cao sức khỏe, tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp một cách thuận lợi nhất).

Chỉ thị số 25 đã đưa ra nhiều định hướng mới về phát triển Mạng lưới Y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân; phát triển mô hình bác sỹ gia đình và thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hệ thống hướng dẫn chuyên môn về những vấn đề này, trên cơ sở đó sẽ tiến hành triển khai thực hiện từng bước (thí điểm, đánh giá và mở rộng phạm vi thực hiện).

“Để huy động có hiệu quả sự tham gia của y tế ngoài công lập vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu giải pháp đồng bộ về quản trị (xác định phạm vi ưu tiên dành cho y tế ngoài công lập, tăng cường sự cộng tác, giảm thiểu nguy cơ xung đột lợi ích giữa y tế công lập và ngoài công lập trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu…), kỹ thuật (đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu) và tài chính (tăng tính hấp dẫn về tài chính khi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng cho biết.

 

Cho rằngviệc chuyển đổi số đối với ngành Y tế là xu hướng không thể đảo ngược, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng chia sẻ: Trong lĩnh vực y tế, có 3 yếu tố rất quan trọng mà mọi hệ thống y tế đều rất khó, thậm chí không thể cải thiện một cách đồng thời, đó là diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế (được ví như 3 đỉnh của một tam giác).

“Chẳng hạn, nếu chúng ta nỗ lực đảm bảo dịch vu y tế có chất lượng cao, được bao phủ rộng khắp, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận chi phí dành cho y tế tăng cao. Tuy nhiên, gần đây, với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin viễn thông, các giải pháp y tế thông minh có thể giúp chúng ta vượt qua ngưỡng thách thức "Tam giác diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế". Chính vì vậy, việc chuyển đổi số đối với ngành Y tế là xu hướng không thể đảo ngược”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng cho biết, thời gian tới, ngành Y tế sẽ ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm cải thiện toàn bộ các mặt hoạt động của y tế cơ sở, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực vận hành, hoàn thiện các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống hướng dẫn kỹ thuật…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm