Chuyển đổi số

Covid-19: Ngân hàng Nhà nước giục sớm trình Thủ tướng quy định thí điểm triển khai Mobile Money

DNVN - Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Mobile Money có giới hạn giao dịch tối đa là 1 triệu đồng / Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cơ chế Sandbox trong lĩnh vực Fintech và thử nghiệm Mobile Money trong năm 2020

Ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát, xây dựng các quy định áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu giao dịch trực tiếp trong cung ứng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money). Chỉ thị về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn.

Ngân hàng Nhà nước giục sớm trình Thủ tướng quy định thí điểm triển khai Mobile Money.

Ngân hàng Nhà nước giục sớm trình Thủ tướng quy định thí điểm triển khai Mobile Money.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả; Nhiều giải pháp chính sách được triển khai quyết liệt, kịp thời như: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Toàn ngành đã đóng góp trên 160 tỷ đồng cho phòng, chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của toàn hệ thống trong công tác an sinh xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Cho vay tái cấp vốn đối với TCTD để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.

Theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. Sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của TCTD theo chỉ đạo của NHNN và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các TCTD nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện của các TCTD; giám sát việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các quy định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử và các văn bản pháp luật liên quan khác, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho TCTD và khách hàng trong quá trình triển khai thực tế.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm