Chuyển đổi số

Thí điểm Mobile Money: Nhà mạng sốt ruột, Thủ tướng giục Ngân hàng Nhà nước sớm cho thí điểm

DNVN - Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, Thủ tướng Chỉnh phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Mở cửa thị trường tài chính, quan trọng nhất là phải kiểm soát được rủi ro về an ninh mạng / Chuyên gia cảnh báo triển khai mobile money phải có biện pháp bảo đảm an toàn tài khoản và phòng chống rửa tiền

Một trong những nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020, Thủ tướng Chỉnh phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay; hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… cho khách hàng vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)”, Nghị quyết nêu rõ.

Hơn 1 năm sau ngày Thủ tướng đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Monney, VNPT, Viettel, MobiFone đang nóng lòng được cấp phép thí điểm dịch vụ này. Thế nhưng, câu chuyện cấp phép Mobile Money vẫn chỉ ở trên bàn nghị sự.

Các nhà mạng đang sốt ruột muốn sớm triển khai mobile money.

Các nhà mạng đang sốt ruột muốn sớm triển khai mobile money.

Một trong những điều khiến Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc lâu nay đó là phải thiết lập một cơ chế để đảm bảo an toàn tài khoản cho người dùng dịch vụ mobile money, cũng như bình đẳng trong cung cấp dịch vụ đối với các đơn vị đang cung cấp ví điện tử khác.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: "việc cho phép nhà mạng cung cấp mobile money là một câu chuyện khá phức tạp vì phải nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh".

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, về điểm lợi thì việc cho phép nhà mạng cung cấp dịch vụ mobile money rất có lợi. Hiện tại Việt Nam chỉ có vào khoảng hơn 30% dân số là có tiếp cận với hệ thống dịch vụ ngân hàng. Còn phần lớn tại những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rất nhiều người không có tài khoản ngân hàng, không tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Nếu Viettel, MobiFone, VinaPhone sử dụng tất cả những thuê bao điện thoại để có thể trở thành những công cụ để thanh toán thì đây là điều lợi ích rất lớn cho quốc gia và cho người dân.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, vấn đề ở chỗ là các nhà mạng khi nhận tiền của người dân có bảo đảm được an toàn cho số tiền gửi của người dân, có bảo đảm được là các nhà mạng không sử dụng số tiền gửi của người dân cho những hoạt động đầu tư sai mục đích, và nhất là có thể sàng lọc và loại bỏ những hoạt động rửa tiền.

Quy định hiện tại ràng buộc ví điện tử phải thông qua một tài khoản ngân hàng, tức là một người không thể nào đem tiền mặt đến nộp tiền cho Viettel và yêu cầu họ mở cho một ví điện tử để chi tiêu qua điện thoại. Giả sử tôi có 100 triệu đồng, muốn bỏ vào ví điện tử để chi tiêu bắt buộc tôi phải có tài khoản ngân hàng rồi chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng. Ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng thì tôi mới chuyển tiền từ ngân hàng vào ví điện tử để chi tiêu. Thành ra người sử dụng ví điện tử phải có mối quan hệ với một tài khoản ngân hàng, rồi từ đó mới có thể sử dụng được một ví điện tử, đây là một hạn chế rất lớn của mobile money. Tuy nhiên, tại thời điểm này qui định này là hợp lý vì phương pháp này hạn chế hoạt động rửa tiền

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích về qui định hiện hành cũng hàm chứa một rủi ro khác, đó là việc quản lý số tiền trong các ví điện tử của nhà mạng. Đây là số tiền mà người dùng ví điện tử để trong tài khoản ngân hàng, nếu nhà mạng chỉ cho phép sử dụng số tiền đó cho ví điện tử thì không vấn đề gì.

Nhưng nếu nhà mạng sử dụng số tiền đó cho những mục đích không liên quan đến ví điện tử, chẳng hạn như họ dùng để đầu tư vào những thị trường tài chính cho vay, hay đầu tư qua đêm, hoặc là cho vay hay đầu tư trong ngày. Nếu chẳng may họ bị thua lỗ ở trên thị trường tài chính đó thì số tiền trên tài khoản ngân hàng sẽ bị mất đi, trong khi ví điện tử của khách thì vẫn còn số tiền mà danh chính ngôn thuận vẫn được sử dụng. Dẫn đến việc khách hàng có thể có một cái ví điện tử mà không có tiền bảo chứng

Với hàng chục triệu tài khoản ví điện tử nhà mạng sẽ quản lý một số dư rất lớn trong tài khoản, sẽ rủi ro rất lớn nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ để kiểm soát số dư của các ví điện tử. Hiện tại tôi được biết Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ hữu hiệu để kết nối được với số tiền trên tài khoản ngân hàng của các nhà mạng, với số dư ví điện tử mobile money của người dùng và được cập nhật “live”. Nên có thể tạo một lỗ hổng lớn khi các nhà mạng có thể sử dụng số tiền trong ví điện tử của khách hàng ngoài mục đích.

Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bắt buộc nhà mạng phải báo cáo hàng ngày số dư trên ví điện tử và số dư này phải tương ứng với số dư trên tài khoản ngân hàng, và CNTT có thể hổ trợ việc kết nối này và báo động cho NHNN nếu có sự chênh lêch bất cứ lúc nào, nhưng hình như kỹ thuật này chưa được áp dụng và nếu có được áp dụng thì liệu NHNN có nguồn lực để theo dõi thường xuyên và có biện pháp chế tài đối với nhà mạng khi bị phát hiện.

“Kết luận là việc thanh toán qua tài khoản di động (mobile money) có nhiều lợi ích là giúp nền kinh tế tiến xa hơn trong việc thanh toán phi tiền mặt, nhưng cũng ẩn chứa nhiểu rủi ro mà những nhà làm chính sách không thể bỏ qua”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm