Chuyển đổi số

Chuyên gia cảnh báo triển khai mobile money phải có biện pháp bảo đảm an toàn tài khoản và phòng chống rửa tiền

DNVN - Trả lời phỏng vấn riêng với Doanh nghiệp Việt Nam, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro cần phải lưu ý khi triển khai mobile money, trong đó đặc biệt là vấn đề bảo đảm an toàn số dư trong tài khoản và phòng chống rửa tiền.

Chủ tịch LienVietPostBank: "Fintech là cơ hội cho khởi nghiệp số" / Fintech 4.0 ứng dụng công nghệ blockchain vào game online

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược)một trong những nhiệm vụ giải pháp được đặt ra đó là: “Phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động.Đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề quản lý dịch vụ thanh toán qua tài khoản di động (mobile money).

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Trong Chiến lược này, nhà nước thúc đẩy nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán từ tài khoản di động (mobile money). Theo ông, việc các nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ ví điện tử thì có những điểm lợi nào, cũng như những bất lợi nào cho thị trường tài chính?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đây là một câu chuyện khá phức tạp vì phải nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh. Nói chung về điểm lợi thì việc cho phép nhà mạng cung cấp dịch vụ mobile money rất có lợi. Hiện tại Việt Nam chỉ có vào khoảng hơn 30% dân số là có tiếp cận với hệ thống dịch vụ ngân hàng. Còn phần lớn tại những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rất nhiều người không có tài khoản ngân hàng, không tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Nếu Viettel, MobiFone, VinaPhone sử dụng tất cả những thuê bao điện thoại để có thể trở thành những công cụ để thanh toán thì đây là điều lợi ích rất lớn cho quốc gia và cho người dân.

Nhưng vấn đề ở chỗ là các nhà mạng khi nhận tiền của người dân có bảo đảm được an toàn cho số tiền gửi của người dân, có bảo đảm được là các nhà mạng không sử dụng số tiền gửi của người dân cho những hoạt động đầu tư sai mục đích, và nhất là có thể sàng lọc và loại bỏ những hoạt động rửa tiền.

Quy định hiện tại ràng buộc ví điện tử phải thông qua một tài khoản ngân hàng, tức là một người không thể nào đem tiền mặt đến nộp tiền cho Viettel và yêu cầu họ mở cho một ví điện tử để chi tiêu qua điện thoại. Giả sử tôi có 100 triệu đồng, muốn bỏ vào ví điện tử để chi tiêu bắt buộc tôi phải có tài khoản ngân hàng rồi chuyển 100 triệu đồngvào tài khoản ngân hàng. Ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng thì tôi mới chuyển tiền từ ngân hàng vào ví điện tử để chi tiêu. Thành ra người sử dụng ví điện tử phải có mối quan hệ với một tài khoản ngân hàng, rồi từ đó mới có thể sử dụng được một ví điện tử, đây là một hạn chế rất lớn của mobile money. Tuy nhiên, tại thời điểm này qui định này là hợp lý vìphương pháp này hạn chế hoạt động rửa tiền

Qui định hiện hành cũng hàm chứa một rủi ro khác, đó là việc quản lý số tiền trong các ví điện tử của nhà mạng. Đây là số tiền mà người dùng ví điện tử để trong tài khoản ngân hàng, nếu nhà mạng chỉ cho phép sử dụng số tiền đó cho ví điện tử thì không vấn đề gì.

Nhưng nếu nhà mạng sử dụng số tiền đó cho những mục đích không liên quan đến ví điện tử, chẳng hạn như họ dùng để đầu tư vào những thị trường tài chính cho vay, hay đầu tư qua đêm,hoặc là cho vay hay đầu tư trong ngày. Nếu chẳng may họ bị thua lỗ ở trên thị trường tài chính đó thì số tiền trên tài khoản ngân hàng sẽ bị mất đi, trong khi ví điện tử của khách thì vẫn còn số tiền mà danh chính ngôn thuận vẫn được sử dụng. Dẫn đến việc khách hàng có thể có một cái ví điện tử mà không có tiền bảo chứng

Với hàng chục triệu tài khoản ví điện tử nhà mạng sẽ quản lý một số dư rất lớn trong tài khoản, sẽ rủi ro rất lớn nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ để kiểm soát số dư của các ví điện tử. Hiện tại tôi được biết Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ hữu hiệu để kết nối được với số tiền trên tài khoản ngân hàng của các nhà mạng, với số dư ví điện tử mobile money của người dùng và được cập nhật “live”. Nên có thể tạo một lỗ hổng lớn khi các nhà mạng có thể sử dụng số tiền trong ví điện tử của khách hàng ngoài mục đích.

Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bắt buộc nhà mạng phải báo cáo hàng ngày số dư trên ví điện tử và số dư này phải tương ứng với số dư trên tài khoản ngân hàng, và CNTT có thể hổ trợ việc kết nối này và báo động cho NHNN nếu có sự chênh lêch bất cứ lúc nào, nhưng hình như kỹ thuật này chưa được áp dụng và nếu có được áp dụng thì liệu NHNN có nguồn lực để theo dõi thường xuyên và có biện pháp chế tài đối với nhà mạng khi bị phát hiện.

Kết luận là việc thanh toán qua tài khoản di động (mobile money) có nhiều lợi ích là giúp nền kinh tế tiến xa hơn trong việc thanh toán phi tiền mặt, nhưng cũng ẩn chứa nhiểu rủi ro mà những nhà làm chính sách không thể bỏ qua.

Đúng là những rủi ro mà ông vừa nêu rất có thể xảy ra, hiện có ý kiến cho rằng có thể thiết lập cơ chế cho phép hình thành hệ thống đại lý ở những nơi không có chi nhánh ngân hàng. Để người dân có thể đến đại lý nộp tiền mặt vào tài khoản mobile money, thay vì bắt buộc phải nộp vào tài khoản ngân hàng. Theo ông, cơ chế phát triển hệ thống đại lý của ngân hàng, hoặc của các Fintech có khả thi hay không?

Nếu dùng đại lý của ngân hàng, một người đến đại lý nộp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của họ có kết nối với ví điện tử. Điều này cũng có thể là một giải pháp tốt, nhưng mà vẫn phải thông qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động rửa tiền.

Trong tương lai thì có thể mở rộng đến mức cho nộp tiền mặt vào thẳng tài khoản mobile money, nhưng với điều kiện phải kiểm soát được dòng tiền nộp vào các nhà mạng thông qua quy trình để chống rửa tiền. Chẳng hạn theo Luật chống rửa tiền, tổ chức tài chính phải nhận diện khách hàng nếu khách hàng thực hiện một giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lênvà phải truy cứu nguồn gốc số tiền đó ở đâu, để đại lý của ngân hàng hay nhà mạng gửi báo cáo thông tin lên Cục Quản lý chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng việc này còn rất khó để thực hiện vì ngay bản thân các ngân hàng còn chưa thực hiện hoạt động chống rửa tiền một cách hoàn hảo, huống chi các đại lý của ngân hàng hay nhà mạng.

Thưa ông, hiện tại các nhà mạng có một kênh nạp tiền rất thuận tiện đấy là thẻ cào, có ý kiến chorằng cho nạp tiền thẳng từ thẻ cào vào tài khoản mobile money mới phát huy hết lợi thế của mobile money, theo ông chính sách này có nên cho phép áp dụng hay không?

Theo tôi thì cách này không thể áp dụng được trừ phi có sự hạn chế số tiền gửi vào ví điện tử. Nếu một người có tiền, họ cứ đi mua hàng triệu thẻ cào rồi chuyển tiền từ thẻ cào đó vào ví. Như vậy ví điện tử mở ra một cánh cửa mới cho hoạt động rửa tiền, khi đó tất cả tiền mặt từ hoạt động phạm pháp như mại dâm, rồi ma túy và cờ bạc, sẽ chạy ào ào vào mua thẻ cào của nhà mạng để để rồi tiền “bẩn” đó chạy vào ví điện tử để biến từ tiền “bẩn” đó sang tiền sạch để chi tiêu và tránh được sự kiểm soát của các cơ quan an ninh tiền tệ. Nếu cho phép như thế là mở toang cửa ví điện tử của các nhà mạng rồi và nguy cơ rửa tiền sẽ tăng lên gấp bội.

Tuy nhiên cũng có thể giới hạn cho phép nạp từ thẻ cào một số tiền nhỏ từ 1-2 triệu đồng chẳng hạn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có thể kiểm soát được việc một khách hàng có thể chia nhỏ số tiền. Các ngân hàng Mỹ gọi hành động này là “splitting” và họ có phần mềm điện toán để phát hiện và ngăn chặn hành động này.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm