Chuyển đổi số

Đà Nẵng: Hướng mở đầy triển vọng từ “thu hút đầu tư không tiếp xúc”

DNVN - “Chúng ta không thể thụ động ngồi đợi đến khi Covid 19 biến mất mà cần tích cực sử dụng phương thức “không tiếp xúc” để việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài không bị gián đoạn và ảnh hưởng. Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các webinar cho các công ty Hàn Quốc thì chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng hợp tác!” - Tổng giám đốc KOTRA Đà Nẵng nói.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiến nghị của Đà Nẵng về sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu / Đại học Đà Nẵng: Năm 2021 giữ phương thức xét tuyển hệ chính quy như năm 2020

Linh hoạt chuyển đổi phương thức xúc tiến đầu tư để ứng phó dịch Covid-19

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, giai đoạn 2016 - 11/2020, TP Đà Nẵng thu hút được 530 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới 1.045,4 triệu USD; 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 211,8 triệu USD. Trong đó, các KCN và Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu USD.

năm 2020, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài băng phương thức trực tuyến

Năm 2020, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài bằng phương thức trực tuyến

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh Covid-19 nhưng Đà Nẵng vẫn thu hút và cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 73 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 127,947 triệu USD; có 09 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 75,326 triệu USD; 82 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 4061 triệu USD. Tuy nhiên kết quả thu hút vốn FDI năm 2020 của Đà Nẵng vẫn giảm 41% về số dự án và 71,8% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, điểm đáng chú ý trong công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài trong năm 2020 là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động xúc tiến đầu tư theo kế hoạch tại các thị trường nước ngoài đều bị hoãn, hủy. Các đoàn nhà đầu tư vào tìm hiểu môi trường đầu tư của Đà Nẵng cũng bị hạn chế, dẫn đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư gặp nhiều trở ngại.

“Trong bối cảnh đó, các buổi làm việc, hoạt động kết nối nhà đầu tư được TP Đà Nẵng linh hoạt chuyển qua phương thức trực tuyến; nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến (webinar) đã được tổ chức thành công, thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham dự!” – Bà Huỳnh Liên Phương cho hay.

Cụ thể, tháng 7/2020, TP Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến “Đà Nẵng – Thung lũng Silicon Đông Nam Á” đối với các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á; Hội nghị Xúc tiến trực tuyến “Đầu tư vào Đà Nẵng” đối với thị trường Đài Loan.

Tháng 9/2020, TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ TT-TT, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư ICT (CNTT và Truyền thông) đối với thị trường Nhật Bản. Tháng 12/2020, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục tô chức Hội nghị xúc tiến trực tuyến “Đầu tư vào Đà Nẵng” đối với thị trường Hàn Quốc.

“Thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến. Tăng cường và chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược, các hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng lớn của các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư để tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu CNC, Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm, các KCN và các lĩnh vực ngành nghề có khả năng dịch chuyển đầu tư. Các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)...” – Bà Huỳnh Liên Phương cho hay.

KOTRA sẵn sàng hợp tác với Đà Nẵng “thu hút đầu tư không tiếp xúc”

Ông Lee Sungnyung, Tổng giám đốc KOTRA Đà Nẵng (Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi rất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do các quốc gia đóng cửa biên giới đã nảy sinh nhiều vấn đề trong việc đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu. Nhiều công ty đầu tư ở nước ngoài đang phải đối mặt với khó khăn trong việc đóng cửa các nhà máy sản xuất do những bất ổn trầm trọng hơn như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, và nhu cầu giảm sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia cụ thể.

“Ngày càng có nhiều nhu cầu di dời cơ sở sản xuất về nước hoặc sang nước thứ ba. Như vậy, nếu mục đích chính của đầu tư ra nước ngoài trước đây là đảm bảo hiệu quả chi phí, đảm bảo "sự ổn định" thì đây cũng sẽ trở thành một chủ đề quan trọng trong kỷ nguyên hậu Covid-19. Với những lợi thế như vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào được đào tạo bài bản, chi phí đầu tư cạnh tranh và điều kiện sống an toàn, Đà Nẵng có hầu hết các điều kiện cơ bản để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài!” - Ông Lee Sungnyung nói.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý dù Đà Nẵng sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài những điều kiện thuận lợi nhất nhưng cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thu hút họ đầu tư thực sự. Trên tinh thần đó, ông rất hoan nghênh việc Đà Nẵng chuyển đổi linh hoạt trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư bằng việc đi đầu trong áp dụng phương thức xúc tiến đầu tư trực tuyến tại Việt Nam.

“Chúng ta không thể thụ động ngồi đợi cho đến khi Covid 19 biến mất mà thay vào đó, cần tích cực sử dụng phương thức “thu hút đầu tư không tiếp xúc” để công việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài không bị gián đoạn và ảnh hưởng!” – Ông Lee Sungnyung chia sẻ; đồng thời ông nêu ví dụ năm 2020, KOTRA Đà Nẵng đã thực hiện hơn 100 cuộc họp video về xuất khẩu và đầu tư trong điều kiện không thể đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có rất nhiều cam kết thành công giữa các công ty Hàn Quốc và các đối tác Việt Nam.

Tổng Giám đốc KOTRA Đà Nẵng cho hay, lúc đầu ông cũng lo lắng liệu các cuộc họp trực tuyến có thể dẫn đến kết quả kinh doanh thực sự hay không? Nhưng qua thực tế, ông cùng các cộng sự đã thấy rằng phương pháp “trực tuyến” là công cụ làm việc hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay. Tương tự như vậy, trong công tác thu hút vốn đầu tư FDI thì phương pháp “không tiếp xúc” này là rất hữu ích.

“Chúng tôi đánh giá cao việc TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo trên web cho các công ty Hàn Quốc với chủ đề “Đà Nẵng, TP công nghiệp công nghệ cao” hồi đầu tháng 12/2020. Trong thời gian tới, nếu Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các webinar tương tự cho các công ty Hàn Quốc thì KOTRA Đà Nẵng sẽ luôn sẵn sàng hợp tác!” - Ông Lee Sungnyung, Tổng giám đốc KOTRA Đà Nẵng nhấn mạnh.

Lũy kế đến tháng 12/2020, toàn TP Đà Nẵng có 876 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,521 tỷ USD. Dẫn đầu các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Đà Nẵng hiện nay là Nhật Bản (424,65 triệu USD), tiếp đó lần lượt là Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc và đảo British Virgin... Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư… góp phần cho tăng trưởng kinh tế của TP.

Đáng kể có dự án nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (UAC) tại Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD; dự án mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) 100 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô tô Key Tronic Việt Nam (Khu CNC) 70 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị y tế Dentium II-Việt Nam (Khu CNC) 60 triệu USD; dự án mở rộng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô Nissan (KCN Hòa Khánh mở rộng) 50 triệu USD…



Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm