Dịch vụ truyền hình vệ tinh “lao đao” trong cảnh thua lỗ, nợ nần
Sắp có truyền hình số di động miễn phí, phục vụ cho người đi xe khách và ô tô cá nhân / Truyền hình OTT phát triển như vũ bão, tăng trưởng tới 50%/năm
Truyền hình vệ tinh đã có mặt tại Việt Nam 29 năm với tiền thân là kênh truyền hình quốc gia VTV1 phủ sóng vệ tinh toàn quốc từ năm 1991 để các đài truyền hình địa phương tiếp sóng. Trải qua gần 3 thập kỷ phát triển, Việt Nam đã sở hữu 2 vệ tinh viễn thông Vinasat 1 (132°E) và Vinasat 2 (131,8°E). Hiện cả nước có 36 doanh nghiệp tham gia thị trường truyền hình trả tiền, trong đó có 3 doanh nghiệp cung cấp truyền hình vệ tinh trả tiền là K+, VTC và AVG, cung cấp 297 kênh trong nước và 70 kênh nước ngoài cho người sử dụng dịch vụ. Thời mới ra thị trường, truyền hình vệ tinh có những ưu việt mà chưa một công nghệ truyền hình nào đạt được như tốc độ truyền dẫn cao, độ trễ thấp, ít phụ thuộc vào hạ tầng truyền dẫn, phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam kể cả những vùng lõm, biên giới, hải đảo xa xôi.
Tuy nhiều mặt ưu việt nhưng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 truyền hình vệ tinh ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế như tín hiệu truyền hình bị suy hao khi mưa lớn, khó tìm vị trí lắp đặt trong các toà nhà cao tầng, khó tích hợp truyền hình theo yêu cầu (VOD), truy cập Internet, các ứng dụng trên cùng nền tảng vệ tinh do chi phí sử dụng băng thông qua vệ tinh rất đắt đỏ.
Các đại gia truyền hình vệ tinh đều lao dốc
Đứng đầu trong các ông lớn ngành truyền hình phải kể đến dịch vụ truyền hình K+ (Liên doanh của Đài Truyền hình Việt Nam VTV và Canal+ của Pháp) từ khi tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam vào năm 2009 với các thương vụ mua bản quyền giải ngoại hạng Anh với giá cao kỷ lục. Nhưng 11 năm qua K+ chưa một lần báo kết quả kinh doanh có lãi.
Cụ thể, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh là 13 triệu USD trong giai đoạn 2010 – 2013, gấp hơn 3 lần số tiền VTC bỏ ra trong giai đoạn 2007 – 2010 trước đó. Đến mùa giải 2013 – 2016, số tiền bản quyền Ngoại Hạng Anh mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần lên 41 triệu USD. Chưa dừng lại, số tiền mà nhà đài này bỏ ra cho ba mùa giải 2016 – 2019 tiếp tục tăng lên con số khoảng 46 triệu USD. Năm 2019 K+ đã vượt qua Facebook để trở thành đơn vị phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 – 2022. Mức giá K+ bỏ ra cho thương vụ này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng sẽ không thấp hơn số tiền của mùa giải trước đó. Trong mùa giải này, Facebook đã từng tuyên bố chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam.
Ngoài ra, K+ cũng đầu tư khá nhiều tiền để nâng cao chất lượng nội dung độc quyền của mình khi hợp tác với các hãng phim lớn như BHD, CJ…để được phát sóng độc quyền sớm nhất các phim chiếu rạp ăn khách. Theo một nguồn tin riêng, hàng năm chi phí mua bản quyền nội dung nước ngoài chiếm 80% ngân sách của K+, trong khi đó phí thuê bao ngày càng giảm, tốc độ phát triển thuê bao lại chậm chạp. Nên mặc dù sở hữu độc quyền phát sóng giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh cũng không thể tăng trưởng thuê bao đột biến, việc đầu tư quá lớn cho bản quyền đặc biệt là bản quyền Ngoại hạng Anh đã khiến K+ liên tục báo kết quả kinh doanh thua lỗ. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến VTV lên kế hoạch thoát vốn khỏi K+.
11 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, truyền hình K+ chưa bao giờ báo lãi.
Ông lớn tiếp theo phải kể đến là Truyền hình VTC, đầu những năm 2000 VTC được xem là hiện tượng của làng truyền hình nhờ tiên phong phát sóng kỹ thuật số mặt đất chuẩn DVB-T vào thời điểm những năm 2003 -2005 khi hầu hết các đơn vị truyền hình trong khu vực đều chỉ phát sóng bằng công nghệ tương tự Analog. Cũng chỉ thời gian ngắn sau đó VTC phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1 phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và các nước lân cận. Đây cũng là nhà đài đầu tiên phát triển Box xem truyền hình vệ tinh tích hợp ứng dụng giải trí kết nối Internet đầu tiên tại Việt Nam. Một thời VTC được coi là doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ truyền hình mới nhất của thế giới vào Việt Nam.
Tuy nhiên mảng truyền hình của VTC cũng gặp nhiều sóng gió. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sau khi chia tách về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng không thể phát triển như kỳ vọng. Theo kết quả báo cáo kinh doanh năm 2019 doanh thu của Đài VTC tiếp tục giảm mạnh. Những khó khăn về tài chính dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khiến nhiều phóng viên, biên tập viên phải rời đi tìm công việc khác. Bản thân Đài VTC cũng phải tạm dừng phát sóng nhiều kênh hoặc giảm công suất nhiều trạm phát sóng kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 trong cả nước để tiết kiệm chi phí. Sau khi Đài VTC về VOV, mảng kinh doanh khai thác dịch vụ truyền hình vệ tinh vẫn do Công ty VTC Digital khai thác, song việc phát triển doanh thu và thuê bao truyền hình số vệ tinh VTC cực kỳ khó khăn, VTC ngày càng tụt thứ hạng trên thị trường truyền hình trả tiền. Đến nay mảng truyền hình số vệ tinh của VTC Digital chủ yếu duy trì được nhờ mảng truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình trong nước lên vệ tinh.
Số phận của Truyền hình An Viên (dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG) lại càng lận đận hơn nữa. Tuy ra mắt thị trường muộn nhất nhưng lại được hậu thuẫn về tài chính mạnh mẽ của nhóm các nhà đầu tư có máu mặt, Truyền hình An Viên cùng lúc cung cấp dịch vụ trả tiền trên hai hệ thống truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh từ năm 2011. Vào giai đoạn Việt Nam mới triển khai Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, AVG được đánh giá là có hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2 hiện đại nhất Việt Nam. Nhưng thương vụ mua bán cổ phần AVG của MobiFone đã dẫn đến một đại án tham nhũng. Chủ tịch AVG là tỷ phú Phạm Nhật Vũ rơi vào vòng lao lý.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, AVG được xác định là thua lỗ liên tiếp nhiều năm, âm vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2015 trước khi sát nhập vào MobiFone, lỗ luỹ kế của AVG là 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn. Sau khi nhận trở lại dịch vụ truyền hình MobiTV năm 2018, AVG có khoảng gần 1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, thế nhưng tình hình kinh doanh chưa có nhiều khả quan.
Truyền hình AVG đã trải qua 2 lần đổi tên từ Truyền hình An Viên thành MobiTV và nay là VivaTV. Đến nay dịch vụ truyền hình đã được AVG âm thầm bán cổ phần cho một đại gia trong ngành truyền thông phía Nam và đã được đổi tên thành ViVaTV, cùng tên với hệ sinh thái truyền thông khác của ông chủ mới này.
Truyền hình vệ tinh chao đảo trong "cơn bão" mang tên OTT
Phát biểu trong một hội thảo về quản lý dịch vụ truyền hình hồi giữa năm 2019, một lãnh đạo Công ty VTC Digital cho biết, ARPU (doanh thu trung bình trên một thuê bao) của truyền hình tại Việt Nam rất thấp ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Các đơn vị truyền hình vệ tinh phải chi phí rất lớn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nội dung phát sóng, nhưng nguy cơ lớn nhất đến từ bên ngoài, đó là các dịch vụ truyền hình OTT (các ứng dụng và nội dung truyền hình được cung cấp trên nền tảng Internet).
Hiện trên thị trường Việt Nam đã có đủ mặt các ông trùm cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới mạnh nhất trên toàn cầu Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent, Baidu, sắp tới là Disney+, Amazon. Do chính sách quản lý dịch vụ truyền hình OTT còn chưa được các đơn vị xuyên biên giới tuân thủ, họ chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như các trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.
Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước như Viettel, VNPT, FPT,… sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn (hoặc giảm) phí truyền hình hoặc ngược lại. Điều này dẫn đến thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình vệ tinh trong thị trường Pay TV ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Hiện nay, trong số ba nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh mới chỉ có K+ đã chính thức cung cấp thêm gói dịch vụ OTT, ViVaTV mới được Bộ TT&TT cấp bổ sung giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT, còn Truyền hình vệ tinh VTC dường như không muốn tham chiến vào cuộc chạy đua OTT quá khốc liệt nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo