Chuyển đổi số

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Mở cửa thị trường tài chính, quan trọng nhất là phải kiểm soát được rủi ro về an ninh mạng

DNVN - Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã trả lời phỏng vấn riêng với Doanh nghiệp Việt Nam về những tác động của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia với nền kinh tế, cũng như những rủi ro khi cho phép mở cửa thị trường tài chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Cho vay ngang hàng là kênh vay vốn phù hợp với DN nhỏ và vừa / Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam đang đi quá chậm trong cuộc Cách mạng 4.0

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với rất nhiều điểm mới, có tính đột phá, cho phép mở cửa thị trường tài chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ công.

Thưa ông, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những cái điểm rất mới đột phá về chính sách, như vậy Chiến lược mới này dự báo sẽ làm thay đổi nền tài chính của Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là ở Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vừa ban hành là một bước thay đổi rất lớn. Đây là một chiến lược lần đầu tiên chúng ta có, mang tính chất bao quát và liên quan đến tất cả những hoạt động tài chính, ngân hàng và tất cả những hoạt động tài chính khác nữa. Đặc biệt là Chiến lược đặt những hoạt động tài chính trong một bối cảnh của một nền kinh tế đang thay đổi rất lớn.

Chúng ta biết rằng những thay đổi đó liên quan đến vấn đề công nghệ thông tin, liên quan đến môi trường kinh doanh và nó liên quan đến mô hình phát triển quốc gia. Thành ra đây là một chiến lược rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được một tầngcao mới trong sự phát triển của nền kinh tế. Tôi đánh giá rất cao về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia này. Đây cũng là một chiến lược không phải dễ dàng để có thể thực hiện mà cần một thời gian trung hạn hoặc dài hạn để thực hiện.

Một trong những điểm quan trọng của Chiến lược là việc mở cửa thị trường, cho phép nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia vào cung cấp các dịch vụ tài chính. Vậy theo ông, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Fintech Việt Nam phát triển ra sao?

Việc mở cửa thị trường tài chính sẽ có thêm nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có cả những thành phần trong nước, nước ngoài cùng tham gia vào một thị trường tài chính, Chiến lược không chỉ tập trung ở những định chế tài chính như Ngân hàng, các công ty tài chính mà ngay cả những công ty Fintech (là các công ty công nghệ thông tin liên quan đến tài chính) có thể tham gia vào một thị trường tài chính rộng lớn của Việt Nam. Đây là sự mở cửa phát triển tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại chúng ta gọi là Cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Việc mở cửa nền tài chính phù hợp với xu hướng mới, đồng thời cũng phù hợp với việc hội nhập thế giới của Việt Nam, Việt Nam đã tham gia hội nhập rất lớn khi tham gia các hiệp định CPTPP, EVTPP mới được ký kết.

Theo ông, việc mở cửa thị trường liệu có tạo ra những nguy cơ hay rủi ro gì đối với nền kinh tế trong nước hay không?

Tuy nhiên, mở cửa thị trường tài chính cũng có khả năng mang đến những rủi ro lớn cho nền kinh tế. Rủi ro thứ nhất, khi mở cửa thị trường tài chính liệu chúng ta có kiểm soát được tất cả những hoạt động tài chính hiện đại, trong đó có những hoạt động tài chính liên quan đến công ty Fintech, liên quan đến vấn đề thanh toán điện tử. Bởi vì thanh toán điện tử là một lĩnh vực rất là rủi ro. Đặc biệt nữa, liệu rằng chúng ta có kiểm soát được những công nghệ thông tin, kiểm soát được công nghệ mới hay không. Trong khi ngay cả các nước tân tiến của thế giới như Mỹ cũng đang rất bận tâm về vấn đề dữ liệu quốc gia bị xâm nhập, rồi vấn đề dữ liệu tài chính cá nhân bị chiếm đoạt, bị lợi dụng.

Gần đây chúng ta chứng kiến có nhiều cuộc điều trần của Facebook do lộ dữ liệu thông tin người dùng, vấn đề này xảy ra thường xuyên ở nhiều quốc gia. Kể cả Chính phủ Mỹ và Anh cũng rất lo ngại về vấn đề thông minh thông tin cá nhân bị lộ, ngay cả thông tin công của chính quyền cũng bị lộ trên mạng. Trong bối cảnh như thế, nếu chúng ta mở cửa thị trường tài chính và mời chào tất cả những công ty chuyên về công nghệ thông tin thì vấn đề cơ chế kiểm soát như thế nào để không tạo ra những cái khoảng trống cho hoạt động tiêu cực, như bị lộ thông tin, đánh cắp thông tin, lừa đảo, “fake news”.

Thực tế những vấn đề tiêu cực này đã xảy ra ở Việt Nam rồi, có những công ty Fintech đã đưa vào các dịch vụ tài chính trá hình mà thực chất là để huy động vốn, cho vay lãi suất cao, và rửa tiền. Tất cả những cái đó chứng tỏ rằng việc mở cửa thị trường sẽ đi liền với những rủi ro. Do đó, chúng ta phải quan tâm đến việc kiểm soát những rủi ro như thế nào trong cả hiện tại và tương lai. Những rủi ro bao gồm rủi ro về an ninh mạng, an toàn hệ thống hạ tầng cơ sở của CNTT. Việc đảm bảo an ninh mạng là vấn đề quan trọng cần quan tâm khi mở cửa thị trường tài chính.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mới được Chính phủ ban hành.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam quan điểm của ông về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mới được Chính phủ ban hành.

Để Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia này có thể nhanh chóng được đưa vào cuộc sống thì Chính phủ Việt Nam cần phải có những động thái gì để sớm đưa những chính sách này đi vào thực tế?

Tôi cho rằng Việt Nam đã mở tung cánh cửa thị trường tài chính có nghĩa là đưa cả nền kinh tế vào nguy cơ rủi ro rất lớn. Thành ra việc quan trong nhất là phải kiểm soát được hệ thống thông tin an toàn. Bộ TT&TT phải có khả năng kiểm soát được tất cả những rủi ro về công nghệ thông tin, đó là điều kiện tiên quyết. Khả năng, kỹ năng về công nghệ thông tin của Việt Nam phải được đẩy lên mức rất cao, với rất nhiều những chuyên gia trình độ cao và phải có sự đầu tư về hạ tầng cơ sở rất lớn.

Điều thứ hai nữa là việc thực hiện Chiến lược này liên quan đến tất cả các đơn vị kinh tế, các ngành nghề kinh tế, các thành phần kinh tế, nếu Chính phủ chỉ đưa ra một chủ trương nhưng các thành phần kinh tế vẫn còn chậm rãi trong vấn đề thực hiện thì Chiến lược quốc gia cũng không đi đến đâu cả. Thành ra để thực hiện được Chiến lược phải đi từ hai chiều, tức là từ trên xuống và cả từ dưới lên. Ở trên xuống phải nhanh chóng ban hành những quy định, hướng dẫn, có những kế hoạch cụ thể. Từ dưới lên thì từ người dân cho đến các thành phần kinh tế cũng phải chuẩn bị, trang bị cho mình kỹ thuật, hạ tầng cơ sở sẵn sàng triển khai các mục tiêu đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm