Doanh nhân Đặng Văn Thành: Áp dụng công nghệ số nó giống như một giáo phái rất đông người tham gia
CEO TOPCV Trần Trung Hiếu: Sếp hãy đánh giá nhân sự qua hiệu quả công việc, chứ đừng chỉ chăm chăm giám sát nhân viên / Người giàu nhất Châu Á "đút túi" 8 tỷ USD chỉ sau 3 tuần
Ông Đặng Văn Thành là một trong những doanh nhân đời đầu sau thời kỳ đổi mới. Vốn nhanh nhạy với thị trường, ông đã thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện tại ông đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch tập đoàn TTC, ông cũng là Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt. Mới đây, tại buổi Tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” ông đã có những chia sẻ cũng như nhận định riêng của mình về những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp (DN) đang gặp phải trong dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Thành, đây là thời điểm doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cơ quan ban ngành để trụ lại và vượt qua, trong đó việc trụ lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có những giải pháp tình thế và mang tính chất liên ngành. Ví dụ như dãn lãi và dãn nợ chứ không phải chuyển nợ quá hạn.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC.
Ông Thành cũng nêu ví dụ về trường hợp liên quan đến các cổ đông trong tập đoàn bị bán giải chấp khi cổ phiếu xuống thấp. Đây là quy định, song trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán lại đem cổ phiếu đi bán giải chấp, tạo một nguồn cung không cần thiết. Lúc này giải pháp TTC đặt ra là đích thân Chủ tịch đi gặp các công ty chứng khoán phân tích có nên chọn giải pháp như chấp nhận những tài sản mà thông thường không chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp của Chủ tịch Tập đoàn, hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho chính chủ phân kỳ ra để họ từ từ trả. Với những giải pháp đặt ra, các công ty chứng khoán đồng tình ngay.
Ông Thành cũng cho biết thêm, ở các quốc gia phát triển họ không định hướng tiền nhàn rỗi cho tiết kiệm mà định hướng cho đầu tư. Nếu đầu tư sẽ trường vốn hơn đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất nhiên đầu tư thì sẽ có rủi ro.
Ông Đặng Văn Thành đưa ra lời khuyên: "Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên minh bạch hóa Báo cáo tài chính thì mới có thể tiếp cận được nhiều dòng vốn chứ không chỉ có mỗi ngân hàng. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng chịu sự quản lý nhất định của Nhà nước và phải chấp hành cơ quan quyền lực cao nhất là cổ đông. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận với nguồn vốn vay trong bối cảnh này thì việc các ngân hàng dè dặt cũng không thể trách được".
Đặc biệt, trong cuộc chiến với Covid-19, với khủng hoảng, DN nên tận dụng nguồn "lương khô" của mình trước tiên. Có nghĩa là trước kia DN làm ăn được, có tiền tích lũy, có tiền mua tài sản thì bây giờ hãy đem ra mà dùng tạm. Không ai cứu được mình bằng chính mình cả.
Với vấn đề thay máu nhân sự trong mùa dịch Covid-19, Chủ tịch tập đoàn TTC – ông Đặng Văn Thành cho rằng đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối, là “vấn nạn” của DN. Ở Việt Nam mặc dù quỹ lương lớn nhưng thu nhập cá nhân còn khiêm tốn trong khi các nước phát triển thì ngược lại. Ông Thành cho rằng, đây là cơ hội để các DN định biên trở lại, cân đối lại việc kiểm soát chi phí, kiểm soát thị trường. Ở giai đoạn này các DN không nhận thức đầu tư công nghệ là chết. Việc này không chỉ giúp các DN kiểm soát được chi phí mà còn cần thiết cho sự hội nhập và phát triển DN. Covid-19 chính là cơ hội để DN cảnh tỉnh chính mình.
Về vấn đề áp dụng công nghệ số ở các DN hiện nay ông Thành nhận xét, hiện việc ứng dụng online, bán hàng trực tuyến thời gian gần đây trở nên ngày càng phổ biến, đó là cuộc tập dượt đi đến công nghệ số. Nhưng vấn đề các ngành đang áp dụng công nghệ số đến đâu rồi được rất nhiều doanh nhân quan tâm. Vấn đề áp dụng công nghệ số nó giống như một giáo phái rất đông người tham gia.
Việc phát triển thương mại điện tử là rất cần thiết nhưng nó đòi hỏi phải có tính đồng bộ và cần phải triển khai nhanh. Hiện nay việc mở một sàn thương mai điện tử rất dễ dàng. Nhưng ai sẽ là người dùng, ai sẽ là người phân phối mới là cái đáng phải bàn. Các DN nên tích cực hưởng ứng, cùng tham gia để tạo ra các kênh cung ứng thương mại phù hợp với xu thế. Đây là con đường tất yếu phải đối diện.
Nhận định tình hình kinh tế Việt Nam trong 3-6 tháng tới, Chủ tịch tập đoàn TTC cho rằng trước mắt DN đã hoặc chưa có thì nên thiết lập lại thị trường nội địa thật tốt vì hiện tại thị trường này cũng có trên 90 triệu dân. Việc này cần thiết lập lại từ tổ chức nhu cầu sản phẩm, phương thức kinh doanh, đến mạng lưới để đón nhận những cơ hội lớn sắp tới.
Bên cạnh đó, đầu vào của các DN cũng cần cấu trúc lại để không quá bị lệ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc. Đây là bài học rất lớn dành cho các doanh nhân. Ông Thành rất lạc quan vào nhận định kinh tế Việt Nam sẽ có thể hồi phục trong 3-6 tháng tới nhưng chắc chắn phải có độ trễ. Vì hiện tại chúng ta chưa biết được đại dịch đang diễn biến như thế nào. Vì vậy, tùy theo ngành nghề mà nên có những phương án phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo