Đưa 9 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử: Không thể nói khơi khơi
DNVN – Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT), không thể nói khơi khơi với bà con nông dân là "lên mạng học kỹ năng số đi, lên sàn thương mại điện tử bán hàng đi", vì như vậy bà con sẽ không làm. Với bà con nông dân, phải mang lại lợi ích thì họ mới nghe…
Chuyển đổi số để thay đổi bộ mặt nông nghiệp Việt Nam / Bình Dương kích hoạt trung tâm tác chiến "cứu người, giúp dân" trong đại dịch
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến và hướng dẫn triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (Kế hoạch 1034) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng 11/8, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, với mục tiêu hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận thông tin, mua sắm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT), ngày 21/7 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch 1034.
Theo kế hoạch này, đối tượng tham gia là các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tham gia giao dịch mua, bán trên sàn TMĐT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; Các TMĐT hỗ trợ hộ SXNN quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giao dịch bán, mua trên sàn bao gồm: Sàn postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), Sàn voso.vn (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel); Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các sở, ban, ngành đầu mối liên quan của địa phương phối hợp thực hiện.
Đột phá vào các hộ sản xuất nông nghiệp
Với sự kiện hôm nay, Bộ TT&TT không kỳ vọng giải quyết được tất cả các bài toán về nông nghiệp số cùng một lúc, theo đó chỉ đưa ra kịch bản phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, gồm ba bước.
Trong đó, bước 1 là bước đột phá, khai phá thị trường, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng công nghệ số (gọi tắt là chuyển đổi số cho hộ sản xuất nông nghiệp). Việc làm cho bà con hiểu, nhận thức được kinh tế số là gì có ý nghĩa rất quan trọng. Bà con cũng là lực lượng khó khăn nhất trong việc chuyển đổi số.
“Nếu không có sự tham gia của bà con, của các HTX sản xuất thì chương trình kinh tế số nông nghiệp rất khó thực hiện. Vì vậy, Bộ TT&TT chọn bước đột phá vào các hộ sản xuất, tức là đột phá vào con người”, ông Đường nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: INT)
Tuy nhiên, ông Đường chia sẻ, “không thể nói khơi khơi với bà con là lên mạng học kỹ năng số, vì như vậy bà con sẽ không làm. Với bà con nông dân, phải mang lại lợi ích thì họ mới nghe”.
Để tiếp cận được bà con, đầu tiên cần đưa bà con lên sàn để bán được sản phẩm, bà con thấy sản phẩm của mình bán được rồi thì họ mới nhận ra lợi ích, từ đó họ mới bắt đầu làm tiếp.
Bộ TT&TT đã chọn hai sàn TMĐT (Voso và Portmart) hỗ trợ bà con bán hàng, vừa cung cấp nguyên vật liệu, đồng thời quan trọng nhất là cung cấp thông tin cho bà con phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh.
Sau bước đột phá với việc đã có 9 triệu hộ nông dân lên mạng, nhận thức được chuyển đổi số là gì, kinh tế số nông nghiệp là gì, sẽ là bước ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, qua đó thực sự hình thành nền kinh tế số nông nghiệp. Lúc này sẽ chuyển lên nấc cao hơn bằng việc đưa vào thiết bị sản xuất thông minh, tích hợp quy trình sản xuất mới.
Bước cuối cùng là hoàn thiện, chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, bước đột phá trên là về phân phối và thương mại, với sự tham gia của các sàn TMĐT phổ biến để hỗ trợ bà con lên sàn TMĐT với mục tiêu mỗi hộ gia đình là một doanh nghiệp số, hướng đến mục tiêu trước hết là các sản phẩm chất lượng, sản phẩm có sản lượng lớn.
Kế hoạch 1034 là bước đầu tiên trong chương trình thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp với chuỗi đột phá về phân phối và thương mại.
Với kinh nghiệm triển khai thành công ở Bắc Giang và một số tỉnh khác thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã quyết định mở bước đột phá đầu tiên trong kinh tế số nông nghiệp, bằng cách đưa các hộ nông dân lên sàn TMĐT.
Bộ TT&TT lấy Kế hoạch 1034 cho bước đột phá đầu tiên (bước khai phá thị trường) trong triển khai kinh tế số nông nghiệp, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng công nghệ số.
Gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ
Kế hoạch 1034 gồm 3 nội dung chính. Đó là hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.
Việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ được triển khai thông qua các hoạt động như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, không bị thương lái ép giá.
Cùng với đó, giúp người dân các địa phương khác trong nước và quốc tế có thể mua sản phẩm một cách nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT.
Đối với nội dung về hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh, Kế hoạch nêu rõ, sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ…
Ngoài ra, cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo