Chuyển đổi số

Bình Dương kích hoạt trung tâm tác chiến "cứu người, giúp dân" trong đại dịch

DNVN – Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Thông tin tác chiến phòng chống dịch COVID-19 là phải thông tin kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân đến cấp có thẩm quyền, để kịp thời "cứu người, giúp dân". Do đó, công tác tiếp nhận, điều phối, ra mệnh lệnh xử lý thông tin phải thật sự hiệu quả.

Bình Dương: Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19 / Điện lực Bình Dương khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến để phòng chống Covid-19

Ngày 6/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 để điều phối giải quyết nhanh các phản ánh của người dân liên quan đến tình hình dịch bệnh.

của Trung tâm Thông tin tác chiến phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương sẽ để kịp thời "cứu người, giúp dân"

Trung tâm Thông tin tác chiến phòng chống dịch COVID-19 sẽ giúp tỉnh Bình Dương nắm bắt, hỗ trợ kịp thời cho người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin phản ánh; phân tích, ra mệnh lệnh xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, xin ý kiến từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, để ra mệnh lệnh chỉ huy phòng, chống dịch; đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện mệnh lệnh chỉ huy, điều phối hoạt động các Đội phản ứng nhanh 24/7.

Trung tâm đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã, bao gồm: Trung tâm tỉnh và các Đội phản ứng nhanh cấp tỉnh; Trung tâm của 9 huyện, thị xã, thành phố và các Đội phản ứng nhanh cấp huyện; 91 Đội phản ứng nhanh tại 91 xã, phường, thị trấn.

Theo ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, hiện nay, yêu cầu của người dân liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tăng đột biến, tập trung vào những thông tin về ca nhiễm, nghi nhiễm, các triệu chứng liên quan dịch bệnh; nhu cầu về lương thực, thực phẩm, phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch; đặc biệt là các yêu cầu về cấp cứu, vận chuyển các ca bệnh dương tính đang chuyển biến nặng nhưng chưa đưa vào cơ sở điều trị kịp thời.

Dự báo, số lượng cuộc gọi của người dân về Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương (Tổng đài 1022) để phản ánh, yêu cầu hỗ trợ có thể tăng đến 10.000 đến 15.000 cuộc gọi/ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, việc điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị xử lý những tình huống khẩn cấp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa ứng cứu kịp thời, giải quyết tốt các vấn đề khẩn cấp, bức xúc của người dân.

 

“Việc xây dựng một hệ thống tiếp nhận, ra mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, điều phối các lực lượng phản ứng nhanh thông suốt từ cấp tỉnh tới cấp xã, có theo dõi, giám sát việc thực hiện là một việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm là phải thông tin kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân đến cấp có thẩm quyền, để kịp thời "cứu người, giúp dân". Do đó, công tác tiếp nhận, điều phối, ra mệnh lệnh xử lý thông tin phải thật sự hiệu quả.

“Các ngành, các cấp quán triệt tinh thần làm việc nghiêm túc, thực chất, bảo đảm người dân được tư vấn, người bệnh được cấp cứu kịp thời, hàng hoá thiết yếu phải đến tay người khó khăn, an ninh trật tự được đảm bảo”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nhấn mạnh.

Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm