Chuyển đổi số

Hàng trăm nghìn học sinh thiếu thiết bị, không có Internet để học trực tuyến

DNVN - Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh thành đã bắt đầu dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh ở thành thị lẫn nông thôn, thậm chí ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương đang thiếu trang thiết bị để có thể học tập theo hình thức này.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Học sinh phải học trực tuyến kéo dài sẽ bị căng thẳng, ức chế / TP Hồ Chí Minh lên phương án chuẩn bị dạy học trực tuyến 10 tuần đầu năm học

Năm học mới 2021-2022 tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương, dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, việc học tập gặp nhiều khó khăn, nên học sinh toàn thành phố phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên Internet. Đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, thiếu thiết bị, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp…

Học sinh khắp nơi vẫn đang thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Học sinh khắp nơi vẫn đang thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Trong đó, 4% học sinh THCS, THPT không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến và bậc Tiểu học thì có khoảng 8,5%. Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh Trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có Internet.

Còn ở bậc Tiểu học, trong hơn 647.000 học sinh thì có hơn 53.000 em không đủ điều kiện học trực tuyến trong thời gian này. Trong đó, phần lớn là học sinh không có thiết bị, thiếu đường truyền Internet và không có người hỗ trợ học…

Chị Hồng (quận Gò Vấp), nhà có 2 con đang học lớp 6 và lớp 11 cho biết, vợ chồng tôi là lao động tự do, năm ngoái, tích cóp mãi mới mua được cái máy tính để bàn của công ty thanh lý cho đứa lớn học trực tuyến.

“Năm nay dịch bệnh kéo dài và nguy hiểm hơn, vợ chồng tôi thất nghiệp ở nhà mấy tháng nay để phòng dịch, mới đây lại nghe đứa nhỏ nói cần máy tính để học trực tuyến mà lòng lo thon thót không biết lấy đâu ra tiền mà mua cho nó”, chị Hồng chia sẻ.

Điều đáng nói là do diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch COVID-19, bên cạnh những nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh không đủ tài chính để mua máy tính, điện thoại thông minh cho con học trực tuyến, thì còn nhiều gia đình do đang áp dụng nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, nên không thể đi sửa chữa, nâng cấp thiết bị. Thậm chí có nhiều phụ huynh đã “bấm bụng” mua thiết bị mới cho con, nhưng do đơn hàng tồn đọng, cửa hàng chưa thể giao kịp để học sinh học tập.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, có một thực tế là do tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp, nên hiện nay dù phụ huynh có tiền cũng không mua được thiết bị bởi việc đi lại khó khăn. Thậm chí, có máy tính rồi nhưng bị hư hỏng, giáo viên, phụ huynh cũng không đi sửa được.

“Để hỗ trợ học sinh, thành phố đã có nhiều giải pháp như chung sức với doanh nghiệp trao tặng máy tính bảng, thiết bị học tập cho học sinh. Các trường cũng vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… cùng chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn. Sở cũng đang xin chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Thực trạng học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến không chỉ có ở “điểm nóng dịch bệnh COVID-19” TP Hồ Chí Minh, mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, qua rà soát của ngành Giáo dục, mỗi trường học đều có từ 10-20 học sinh thiếu thiết bị, cần được hỗ trợ. Với những trường có ít học sinh thiếu thiết bị, trước mắt trường vận động, quyên góp cha mẹ học sinh, lấy máy tính cũ của trường cho các em sử dụng.

Đối với các trường vùng khó khăn, học sinh thiếu thốn nhiều hơn hiện ngành Giáo dục đang kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ. Ngoài ra, các trường nội đô cũng kêu gọi, quyên góp để hỗ trợ các trường vùng khó khăn.

Chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh, phát động, nhằm hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn học trực tuyến.

Chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh phát động, nhằm hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn học trực tuyến.

Còn tại tỉnh Bình Dương, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, cho biết, do chịu sự ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhiều học sinh thiếu thốn điều kiện sinh hoạt, không được trang bị các vật dụng cần thiết chuẩn bị cho năm học mới. Thậm chí, nhiều em rơi vào hoàn cảnh mồ côi (cha mẹ mất vì COVID-19), không nơi nương tựa, chịu thiệt thòi về mọi mặt so với các bạn đồng trang lứa.

Bình Dương hiện có hơn 70.000 học sinh khó khăn không có điều kiện tham gia học trực tuyến (trong tổng số gần 500.000 học sinh trên toàn tỉnh). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do gia đình không có khả năng trang bị thiết bị cần thiết để các em tham gia học tập.

“Mới đây, Sở GD&ĐT đã có thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân khắp mọi miền đất nước cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ cho các em học sinh khó khăn, tạo thêm cơ hội để các em được tham gia học tập. Vì mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ có đầy đủ năng lực và phẩm chất, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói riêng và đất nước nói chung”, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương chia sẻ.

Không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương mà nhiều tỉnh khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn khoảng 11.000 học sinh Tiểu học, cấp THCS còn 2.499 học sinh, cấp THPT còn 50 học sinh thiếu thiết bị để học tập trực tuyến.

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, vấn đề khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến tại tỉnh này là ở vùng khó khăn, chỉ có khoảng 60% học sinh có điều kiện thiết bị để học tập.

Còn tại Hà Tĩnh, hiện cũng có nhiều học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, do đó địa phương này chỉ dạy trực tuyến với bậc học THCS, THPT và yêu cầu các trường rà soát và chia 3 nhóm học sinh.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm