Chuyển đổi số

Hậu Covid-19: DN đừng quên phải làm Marketing bằng mọi giá, nếu không sẽ chết

DNVN - Cuộc chơi của doanh nghiệp là trong 6 tháng tới. Các DN cũng đừng quên là phải làm Marketing. Marketing không chỉ là quảng cáo mà phải biết kể chuyện bằng nhiều cách khác nhau. Truyền thông chỉ là một phần rất nhỏ của Marketing. Phải làm Marketing bằng mọi giá nếu không sẽ chết..

Doanh nhân Ngô Công Trường: Đây là thời điểm doanh nghiệp bắt buộc phải số hóa, dù lớn hay nhỏ / Vận tải hành khách: DN nào không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ sẽ mất thị phần chỉ trong thời gian ngắn

Hậu Covid-19 vấn đề làm thế nào để DN của mình có thể tồn tại và phát triển được là bài toán được rất nhiều các chủ doanh nghiệp (DN) quan tâm. Ngoài việc duy trì hoạt động của DN thì giải pháp làm thế nào để DN có thể “đẩy được số” gia tăng về nguồn doanh thu cũng luôn là câu hỏi mà rất nhiều doanh chủ đang đi tìm câu trả lời.

Tại chương trình hội thảo trực tuyến mới đây của VMCC với chủ đề “đẩy số sau dịch” các chủ doanh nghiệp và các chuyên gia đã chia sẻ về các giải pháp làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) có thể tồn tại và đẩy tăng trưởng doanh thu sau dịch Covid-19.

Haravan là đơn vị cung cấp nhiều giải pháp về thương mại điện tử (TMĐT) và Martech. Trong và sau thời gian diễn ra dịch bệnh vừa rồi thì doanh nghiệp này đã có tăng trưởng doanh thu rõ rệt. Chỉ tính trong tháng 4 Haravan đã có 15.000 DN vừa và nhỏ tìm đến mình để xây dựng các kênh bán hàng online và TMĐT, ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing của Haravan cho biết.

Ông Mạnh Tấn cho biết thêm: Trong thời gian vừa qua thì cả các các kênh hỗ trợ cho việc đẩy mạnh bán hàng online đều tăng trưởng mạnh. Các DN vừa và nhỏ hiện nay họ có 2 nhu cầu đó là xây dựng kênh website để bán hàng và đẩy số nhanh sau dịch. Khi làm việc với khách hàng thì có những khách hàng họ nắm giữ data khách hàng lên đến 500.000; 1 triệu thậm chí là 5 triệu khách hàng. Giai đoạn này họ chỉ đang tập trung vào việc đẩy doanh số thông qua kênh bán cho khách hàng cũ mà chưa có bất cứ một hoạt động nào để bán cho khách hàng mới.

Các diễn giả tham gia sự kiện "đẩy số sau dịch" do VMCC tổ chức (Ảnh chụp màn hình)

Các diễn giả tham gia sự kiện "đẩy số sau dịch" do VMCC tổ chức (Ảnh chụp màn hình)

Về vấn đề làm sao để các DN vừa và nhỏ đẩy số sau dịch, theo ông Thái Phạm - Giám đốc Marketing của Vinamilk, DN cần phải xác định được sản phẩm của mình đang cung cấp có phải là sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng hay không? Nếu là sản phẩm thiết yếu thì nên tăng cường cho việc chạy quảng cáo để tăng số vào thời điểm này.

Còn đối với các DN đang bị ảnh hưởng nặng nề như là các DN làm về du lịch thì sẽ mất thời gian để khách quốc tế có thể quay trở lại Việt Nam. Lúc này họ cần phải có những sản phẩm và thị trường mới chứ không thể chờ DN của mình cạn kiệt nguồn tài chính được. Cuộc chiến sẽ không dừng lại thời điểm này mà nó ở phía trước 6 tháng nữa.

"Cuộc chơi của các doanh nghiệp là trong 6 tháng tới. Nếu các hoạt động bây giờ không còn là thiết yếu nữa thì ngay lập tức hãy nghĩ ra những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hoặc phải khai thác thêm thị trường, chuyển đổi kênh phân phối từ offline sang online… Các DN cũng đừng quên là phải làm Marketing. Marketing không chỉ là quảng cáo mà phải biết kể chuyện bằng nhiều hình thức khác nhau.

"Truyền thông chỉ là một phần rất nhỏ của Marketing. Phải làm Marketing bằng mọi giá nếu không doanh nghiệp sẽ chết", ông Thái Phạm nhấn mạnh.

Ông Phạm Vũ Tùng - Giám đốc Marketing của Creative Nature Group - Nhà phân phối TIGI, Davines và Moroccanoil thì có quan điểm khác. Ông đứng về phía các DN vừa và nhỏ. Với các DN này khi dịch bệnh diễn ra họ không có doanh thu, không có dòng tiền như vậy thì làm gì có chi phí để trả cho các Agency quảng cáo. Vì vậy theo ông Tùng lúc này các DN có thể làm được là kích cầu sau dịch, phải tạo được cộng đồng của mình, nuôi dưỡng họ bằng nội dung, bằng sự chăm sóc… thì trong thời điểm khó khăn chính cộng đồng khách hàng thân thiết này sẽ hỗ trợ ngược lại cho các DN.

Còn theo bà Phan Đặng Trà My - Phó Tổng giám đốc VCCorp, CEO của Wow Holiday lại đưa ra quan điểm của mình như sau: Chiến lược quan trọng nhất bây giờ là làm sao để chốt sales. Và cần có công cụ, hệ thống để biết khách hàng ở đâu trong chuỗi hành trình trải nghiệm khách hàng của DN.

Thực tế hiện nay có rất nhiều DN đã thực hiện chuyển đổi số, những bên cạnh đó còn một số DN vẫn đang trong quá trình tìm hiểu hướng đi cho mình. Theo ông Mạnh Tấn, với những DN đã có sẵn cơ sở hạ tầng rồi thì họ hoàn toàn có thể thay đổi cơ cấu một số sản phẩm, tạo thành những combo để bán cho những đối tượng khách hàng phù hợp.

Một vấn đề tiên quyết của chuyển đổi số là cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Các DN cần phải nắm giữ được data khách hàng của mình. Khi DN có thể sở hữu được data khách hàng lớn, nắm được nhu cầu của từng nhóm khách hàng, nến nhiều DN vẫn ra số đều từ 5.000 – 7.000 đơn hàng là điều rất bình thường.

Với các nhóm DN chưa có nền tảng online thì các DN này hãy nhanh chân xây dựng kênh online của mình. Vì việc này là tối quan trọng, quyết định đến sự sống còn của DN thời gian tới, ông Tấn nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc về việc thay đổi hành vi của khách hàng trên những kênh online, bà Trà My cho rằng: Thời gian vừa qua lượt truy cập của tất cả cá kênh online đều tăng. Đây cũng là thời điểm người dùng thay đổi hành vi rất nhiều. Khả năng tiêu thụ tin của người dùng cũng tăng 30% và họ quan tâm đến tuyến nội dung về các vấn đề xã hội nhiều hơn. Đặc biệt các nội dung liên quan đến giảm đau kinh tế có lượng truy cập cực kỳ lớn.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm