Chuyển đổi số

Kết quả chuyển đổi số của Cảng Đà Nẵng gây ấn tượng

DNVN - Ngày 20/11, đoàn công tác của Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (Cảng SSIT) đã có chuyến thăm, tìm hiểu thực tế kết quả chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý và hoạt động kinh doanh tại Cảng Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Hội chợ Xuân 2025 / Phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng theo mô hình kinh doanh tích hợp

Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho Cảng Đà Nẵng

Đoàn công tác của Cảng SSIT do Phó Tổng giám đốc Phan Hoàng Vũ dẫn đầu đã được lãnh đạo Cảng Đà Nẵng giới thiệu cụ thể về hệ thống quản lý cảng thông minh, giúp theo dõi và quản lý hoạt động của cảng một cách hiệu quả. Đồng thời tìm hiểu sâu về hệ thống phần mềm ERP áp dụng vào quản trị nhân sự, giám sát an toàn hàng hóa và các quy trình vận hành tại Cảng Đà Nẵng.

Phó Tổng giám đốc Cảng SSIT Phan Hoàng Vũ bày tỏ ấn tượng sau khi tha quan thực tế hoạt động chuyển đổi số tại khu bến cảng Tiên Sa.

Phó Tổng giám đốc Cảng SSIT Phan Hoàng Vũ (áo xanh) bày tỏ ấn tượng sau khi tham quan thực tế hoạt động chuyển đổi số tại khu bến cảng Tiên Sa.

“Cảng Đà Nẵng đã định hướng và tập trung phát triển, ứng dụng CNTT vào sản xuất, số hóa tối đa tất cả các khâu trong quy trình tác nghiệp, đặc biệt chú trọng hàng container. Việc tiên phong chuyển đổi số trong hệ thống cảng biển Việt Nam đã đem lại nhiều lợi ích cho Cảng Đà Nẵng, giảm chi phí và làm tăng giá trị gia tăng cho khách hàng”, Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân cho biết.

Theo đó, hệ thống cổng container tự động (Autogate) tại khu bến cảng Tiên Sa đã được Cảng Đà Nẵng nghiên cứu và triển khai thành công vào tháng 3/2021. Đây cũng là cảng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công cổng container tự động. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào các cẩu QC giúp an toàn trong vận hành, ngăn ngừa va chạm container khi xếp dỡ.

Hệ thống canh xe tự động trong lòng cẩu giàn (eCPS) tại Cảng Đà Nẵng cũng gây ấn tượng mạnh với đoàn công tác của Cảng SSIT. Đây là một hệ thống canh xe chính xác, tốc độ cao nhưng tinh gọn hơn các hệ thống canh xe truyền thống nhờ vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

eCps sử dụng camera công nghiệp kết nối với hệ thống được cấu hình để có khả năng nhận dạng vật thể bằng trí tuệ nhân tạo; suy luận phương án làm hàng; bình bầu điểm đại diện của đối tượng; tính toán tọa độ; hiển thị tọa độ; theo dõi đối tượng; xử lý ảnh; giám sát vận hành.

Cùng với đó, thiết bị công nghiệp trên xe đầu kéo eTractor để nhận tín hiệu ra lệnh từ hệ thống TOS, sau đó xử lý và truyền đến thiết bị cuối để hiển thị cho người lái xe được ghi nhận như một giải pháp có tính thích ứng và có giá trị sử dụng cao trong môi trường khai thác công nghiệp.

“Với dự án này, Cảng Đà Nẵng có vai trò là đơn vị thiết kế và vừa là đơn vị quản lý sản xuất, lắp ráp cả phần cứng lẫn phần mềm. Thiết bị được Cảng Đà Nẵng nghiên cứu, áp dụng thành công từ tháng 4/2023 đã làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm”, ông Dương Đức Xuân cho biết.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, chuyến thăm và làm việc của Cảng SSIT tại Cảng Đà Nẵng đã tạo ra cơ hội quý báu để hai bên cùng nhau học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Việc trao đổi thông tin về an toàn, kỹ thuật và CNTT không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cảng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.

Bbà Wanpen Kachornklin - Cục trưởng Cục Vận tải đường bộ (Bộ GTVT Thái Lan) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Cảng Đà Nẵng ngày 20/11.

Bà Wanpen Kachornklin - Cục trưởng Cục Vận tải đường bộ (Bộ GTVT Thái Lan) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Cảng Đà Nẵng ngày 20/11.

3 trụ cột phát triển của Cảng Đà Nẵng

Cũng trong ngày 20/11, Cảng Đà Nẵng đón tiếp đoàn công tác của Cục Vận tải đường bộ (Bộ GTVT Thái Lan) do bà Wanpen Kachornklin – Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hoạt động cảng biển, logistics, vận tải đối với hàng quá cảnh, quá khổ, hàng siêu trọng…

Ông Dương Đức Xuân cho biết, Cảng Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột: cảng biển, logistics và du lịch/dịch vụ. Trong đó, cảng biển là mảng kinh doanh chủ lực; việc đẩy mạnh hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho cảng biển thông qua việc tập trung nguồn hàng; phát triển dịch vụ du lịch theo hướng tận dụng tối đa lợi thế về nguồn lực hiện có và có khả năng phát triển trong tương lai.

Theo bà Wanpen Kachornklin, Cảng Đà Nẵng không chỉ là một trong những cảng biển quan trọng nhất Việt Nam mà còn là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bà hy vọng hai bên tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và cùng nhau phát triển các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của cảng cũng như tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh của cảng.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm