Chuyển đổi số

Kiến nghị loạt giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp vượt đại dịch

DNVN - Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong điều kiện thích ứng với COVID-19. Xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế tuần hoàn… sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và len lỏi vào mọi ngành nghề, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất là yêu cầu bức thiết / Doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên xây dựng mô hình chuyển đổi số quá cồng kềnh

6 khó khăn của ngành nông nghiệp trong đại dịch

Khó khăn do đại dịch COVID-19 hiện nay một lần nữa chứng minh vai trò then chốt của ngành nông nghiệp, khi không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt tới 41 tỷ USD trong năm 2020, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản dẫn đầu châu Á. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ trọng khai thác và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”, bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, các xu thế lớn của thế giới hiện nay như: xu hướng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong điều kiện thích ứng với COVID-19; xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; ứng dụng khoa học phát triển chuyển đổi số, kinh tế số; xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn… sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và len lỏi vào mọi ngành nghề, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng theo bà Hằng, sự biến đổi của khí hậu, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và điển hình là dịch bệnh COVID-19 là 3 nhân tố chính xảy ra cùng đồng thời trong một giai đoạn đã đặt ra bước ngoặt về sự thay đổi sâu sắc, toàn diện đối với nền kinh tế thế giới trong đó chuyển đổi số là một xu thế được đánh giá là sẽ chi phối nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau và sẽ tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Để đánh giá về chiều hướng diễn biến của đại dịch và chiến lược thích ứng lâu dài với COVID-19, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết, hiện nay thế giới đang ở giai đoạn thích ứng sống chung lâu dài với COVID-19 tiến tới chủ động, tích cực, linh hoạt, hiệu quả phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới. Điều này sẽ tác động đến việc điều chỉnh các thói quen, điều chỉnh phương thức sản xuất, tiêu dùng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng an toàn, bền vững bao trùm hơn, đẩy mạnh các xu thế mới.

Kiến nghị loạt giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp.

Kiến nghị loạt giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp.

"Với chiều hướng đó, chúng tôi cho rằng ngành nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế sẽ chịu tác động rất lớn, có nhiều thách thức và cơ hội giúp cho ngành sẽ phát triển bứt phá hơn trong thời gian tới", bà Hằng khẳng định.

Từ đó, bà Hằng cũng điểm danh 6 khó khăn của ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài như giá cả nông sản, lương thực thời gian tới sẽ bất ổn do nhiều nguyên nhân (như chính sách các nước, đại dịch kéo dài, chuỗi cung ứng đứt gãy…); nguồn cung thực phẩm sẽ mang tính thiếu bền vững hơn; thứ ba là thói quen, xu thế tiêu dùng có sự thay đổi; tính cấp bách của phát triển nông nghiệp xanh; vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp do tác động của công nghệ số, cách mạng khoa học công nghệ; là áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp.

Kiến nghị giải pháp thúc đẩy nông nghiệp số

Từ những cơ hội và thách thức mà nền nông nghiệp đang gặp phải, bà Nguyễn Minh Hằng đã đưa ra bốn kiến nghị về các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp trong tình hình mới.

Trước hết trong tư duy và nhận thức là nhân tố rất quan trọng quyết định chúng ta có thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp hay không. Từ đó, bà Hằng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy người nông dân trong áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số.

Thứ hai là các vấn đề liên quan đến chính sách: cần tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng. Trong đó có những chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, hoàn thiện các văn bản, định hướng hoạt động trong xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử, cho phép các nền tảng giao dịch quốc tế được tiếp cận với thị trường trong nước…

Thứ ba là các biện pháp cần triển khai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành các mạng lưới về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tham gia khởi tạo, tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ nông nghiệp, thúc đẩy cam kết chính sách trong chuyển đổi số về nông nghiệp và lương thực, thu hút đầu tư trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới cũng như thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh.

Và cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng các khuôn khổ quan hệ hợp tác về nông nghiệp với các đối tác và các tổ chức quốc tế.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm