Nông nghiệp đã có bước tiến dài trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đòn bẩy phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp sạch / Đất nông nghiệp tại TP Phú Quốc sẽ được tách thửa từ 26/8
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 như: xuất khẩu. tiêu thụ nông sản bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn, cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ… nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò "trụ đỡ của nền kinh tế", thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”, ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và coi đây là cơ hội bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải chuyển đổi số thành công, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nông nghiệp còn là cơ sở giúp bảo đảm hệ thống chính trị và bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên. Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành sản xuất chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông nghiệp Việt Nam phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Đại dịch COVID-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.
Còn theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm 14% GDP với gần 40% lực lượng lao động của cả nước. Thời gian qua, nền nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Dư địa cho nền nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có định hướng quan trọng là: đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. "Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững", Thứ trưởng nhận định.
“Mục tiêu cuối cùng là làm sao để người nông dân sản xuất ra những nông sản chất lượng cao, chi phí cạnh tranh, bán được giá tốt nhất. Phát triển nông nghiệp số chính là chìa khóa cho mục tiêu này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã đề ra một số định hướng trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thứ hai, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số".
Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo