Ông Trương Gia Bình: Chuyển đổi số nông nghiệp sẽ đưa Việt Nam thành kho nông sản của thế giới
Thúc đẩy đưa công nghệ vào giải quyết những thách thức của nông nghiệp / Chuyển đổi số nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò "trụ đỡ của nền kinh tế", thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
"Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 nêu rõ, nông nghiệp là một trong những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Tại Diễn đàn quốc tế chuyển đối số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu như Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp thì Việt Nam sẽ trở thành một nước nông nghiệp có tiềm năng cạnh tranh rất lớn.
Cùng với đó, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, hiện nay ngành công nghệ thông tin của nước ta đang là một trong những quốc gia có tên tuổi trên thế giới. Từ đó, ông kỳ vọng với việc kết hợp nhiều yếu tố thì Việt Nam có thể đạt được vị thế trở thành kho nông sản của thế giới.
Kỳ vọng áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp để biến Việt Nam thành kho nông sản của thế giới.
Còn theo ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ ngoại giao, ngành nông nghiệp và lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, thông minh gắn với thị trường quốc tế, có khả năng thích ứng và có sức cạnh tranh cao.
Dịch bệnh COVID-19 với những tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, an ninh xã hội càng cho thấy tầm quan trọng của an ninh, lương thực và vai trò của nông nghiệp. Bên cạnh đó, các khó khăn thách thức của đại dịch cũng đã gia tăng nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân về sự cấp thiết của việc đưa công nghệ thông minh và nền tảng số vào nông nghiệp để bảo đảm sự ổn định thông suốt của chuỗi sản xuất cung ứng nông sản trước các cú sốc nhằm chuẩn bị nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, hiện nay, nền nông nghiệp nói riêng và nền kính tế xã hội nói chung đang phải đối mặt với những thay đổi rất lớn, luôn luôn biến động, phức tạp, bất định và mơ hồ. Vì bối cảnh thời đại luôn bất biến nên nền nông nghiệp luôn phải thích ứng với những sự bất biến đó, từ đó cần có những định hướng lâu dài và cần phải thích nghi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, hiện nay nền nông nghiệp của Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn đó là: biến đổi khí hậu; biến động thị trường (do giãn cách xa hội, đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới); và biến động xu hướng tiêu dùng thế giới.
Khái niệm tiêu dùng xanh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Đó là các sản phẩm không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính làm môi trường toàn cầu biến dạng. Hiện nay, xu thế tiêu dùng đang có những biến chuyển rất lớn. Vì vậy, chúng ta không nên bán cái chúng ta có mà phải bán cái thị trường cần. Từ những yêu cầu trên đòi hỏi nền nông nghiệp phải thay đổi thích nghi với xu hướng tiêu dùng của thế giới. Đây là một thách thức lớn. Thị trường sẽ quyết định sản xuất. Tuy nhiên thách thức cũng chính là thời cơ để chuyển đổi sang nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm có thương hiệu hòa nhập với thế giới.
“Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kinh tế hàm lượng tri thức cao trong đó có kinh tế số. Đó chính là nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm 14% GDP với gần 40% lực lượng lao động của cả nước. Thời gian qua, nền nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Dư địa cho nền nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. Nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững.
“Mục tiêu cuối cùng là làm sao để người nông dân sản xuất ra những nông sản chất lượng cao, chi phí cạnh tranh, bán được giá tốt nhất. Phát triển nông nghiệp số chính là chìa khóa cho mục tiêu này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo