Chuyển đổi số

Ngoại giao kinh tế: Tận dụng tối đa thành tựu chuyển đổi số phục vụ phát triển đất nước

Trong năm 2022, ngành ngoại giao sẽ đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng bền vững; tận dụng tối đa thành tựu chuyển đổi số để phục vụ phát triển đất nước.

An Giang xúc tiến đầu tư đô thị thông minh / Nhiều rào cản trong thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh. Ảnh: TTXVN

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao kinh tế trong năm 2022, qua đó góp phần đắc lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Điểm lại thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế năm 2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cho biết triển khai tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành ngoại giao đẩy mạnh công tác ngoại giao toàn diện, lấy ngoại giao kinh tế làm nòng cốt, góp phần đưa đất nước vượt qua những thời khắc "sinh tử" để kinh tế tiếp tục phát triển trước những thách thức của dịch COVID-19.

Dấu ấn nổi bật nhất của ngoại giao kinh tế năm 2021, theo Thứ trưởng Vũ Quang Minh, là "thành công ngoạn mục của ngoại giao vaccine". Với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hoạt động ngoại giao vaccine được triển khai thần tốc, đạt kết quả vượt kỳ vọng, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Cùng với đó, công tác học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm chống dịch, tiêm chủng vaccine... của các nước để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu..., các hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục được thúc đẩy.

 

Trong đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh tiến trình phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm đưa hiệp định quan trọng này có hiệu lực "đúng hẹn" từ ngày 1/1/2022.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tích cực hỗ trợ các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA; tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương quan trọng cũng như các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng…

Một đóng góp quan trọng khác của ngành ngoại giao là đóng góp cho bước chuyển chiến lược từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Trước tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo thành lập Nhóm Nghiên cứu liên vụ tiến hành nghiên cứu, tham mưu về tình hình dịch bệnh, từ đó đề xuất các giải pháp cho Chính phủ.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin, đánh giá của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm Nghiên cứu đã tham mưu lãnh đạo Bộ Ngoại giao xây dựng một số báo cáo trình Trung ương, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ kinh nghiệm của các nước về chuyển chiến lược chống COVID-19 sang thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh.

 

Đây là một trong những nguồn thông tin được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan tham khảo trong việc đề ra quyết sách chuyển chiến lược chống COVID-19 của nước ta sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, phục hồi kinh tế-xã hội.

Kết quả triển khai chính sách này thời gian qua đã khẳng định sự đúng đắn và kịp thời của các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021.

Bước vào năm 2022, năm tạo đà cho phục hồi kinh tế-xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành ngoại giao tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới.

Thứ trưởng Vũ Quang Minh cho biết Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Ngoại giao 31, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 đã nhấn mạnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nhiệm vụ trung tâm của ngành ngoại giao. Trong đó, ngoại giao kinh tế tập trung vào một số nội dung sau.

Thứ nhất, tận dụng các khuôn khổ quan hệ để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa nước ta với các đối tác chủ chốt, đối tác tiềm năng. Qua đó tiếp tục tranh thủ xu hướng phục hồi của các nước và các cơ hội hợp tác trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta.

 

Thứ hai, đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng bền vững, tận dụng tối đa thành tựu của chuyển đổi số phục vụ phát triển đất nước, trong đó bao gồm ngoại giao công nghệ, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao tập đoàn, ngoại giao y tế…

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động phối hợp, hỗ trợ, phục vụ, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, ngoại giao kinh tế chú trọng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động; tận dụng lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và các hoạt động kinh tế-xã hội của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; tranh thủ, tận dụng các mạng lưới đối tác, tư vấn quốc tế, đối thoại chính sách kinh tế cho Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong tình hình mới. Nâng cao năng lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế cho ngành ngoại giao cũng như các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Quang Minh cũng nhấn mạnh một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là việc chuẩn bị tổng kết hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế. Trên cơ sở đó xây dựng một Chỉ thị mới của Ban Bí thư về đẩy mạnh triển khai đồng bộ toàn diện công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đến năm 2030, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, hướng tới những mục tiêu chiến lược giai đoạn 2030-2045.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm