Sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU (VEFTA) sẽ được triển khai đồng loạt ở Trung ương
DNVN - Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU (VEFTA) sẽ được triển khai đồng loạt ở Trung ương, và đây là cách nhanh chóng để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Đề xuất đưa chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung vào chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia / Đà Nẵng: Gần 100 doanh nghiệp lữ hành tập huấn chuyển đổi số, chuẩn bị phục hồi du lịch hậu Covid-19
VEFTA - sản phẩm hợp tác giữa ba bên, gồm: Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) - đơn vị thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (IDEA) và Kim Nam Group đã chính thức được ra mắt vào chiều 26/3. VEFTA được coi là giải pháp mang tính đột phá hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam đón đầu cơ hội do EVFTA mang lại.
Bên lề Lễ ra mắt, ông Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng VIDEM cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) đóng vai trò rất lớn đối với thương mại toàn cầu với tổng giá trị giao dịch ở mức 1.700 tỷ USD trong năm 2020. Trên thế giới hiện có cả B2B và B2, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ tập trung cơ bản ở B2C.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng VIDEM chia sẻ với phóng viên về sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU (VEFTA).
"Việt Nam đang rất thiếu nền tảng về B2B giữa các DN với DN, đặc biệt là các DN của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Đây không chỉ là trăn trở của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng DN mà còn của cả nền kinh tế. Đây là lý do cho ý tưởng hình thành sàn thương mại điện tử xuyên biên giới B2B. Và rất may chúng ta đã có Hiệp định EVFTA sau những dày công đàm phán của Bộ Công Thương. Theo đó, chúng tôi hợp tác cùng Bộ Công Thương triển khai sàn TMĐT nhằm hiện thực hóa, tối ưu hóa và triển khai giải pháp tương đối đồng bộ và căn cơ cho cộng đồng DN, trong đó có DNNVV, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề đều, qua đó có thể hướng đến những giao dịch thông minh giữa DN, làng nghề Việt Nam với DN, hộ kinh doanh tại các quốc gia châu Âu", ông Nguyễn Kim Hùng cho biết.
Chia sẻ về điểm khác biệt của VEFTA với các sàn TMĐT khác, ông Nguyễn Kim Hùng cho biết, VEFTA sẽ được triển khai đồng loạt ở Trung ương.
Hiểu nôm na là sàn TMĐT giống như con đường cao tốc, trong đó các nhánh cao tốc là các sàn TMĐT nhỏ của các tỉnh. Hiện tại, các tỉnh đều có các nghị quyết về chuyển đổi số, và một trong những mục tiêu quan trọng là tiêu thụ và bán được hàng hóa. Như vậy, TMĐT là "key word" (từ khóa) rất quan trọng và VEFTA sẽ tìm cách để xây dựng hệ sinh thái để khi các sàn TMĐT nhỏ đấu vào sẽ có đầy đủ cơ sở, công cụ, hình thái để thực hiện các giao dịch quốc tế hoàn chỉnh. Sàn được hình thành để có một nơi chính thống và nhanh chóng đưa các sản phẩm OCOP của địa phương - thế mạnh của Việt Nam ra thị trường EU. Đây cũng là cách nhanh chóng để khai thác hiệu quả EVFTA.
Kiểm soát chất lượng trên sàn VEFTA như thế nào?
Theo ông Nguyễn Kim Hùng, trong hệ sinh thái của sàn TMĐT B2B này có nhiều modul, trong đó có modul truy xuất nguồn gốc hàng hóa, modul kiểm soát chất lượng hàng hóa. Theo đó, từ quá trình đơn đặt hàng đã đưa ra các tiêu chuẩn, đồng bộ các tiêu chuẩn của EU. Ngay từ khi đi vào các trang trại về các sản phẩm chế biến cũng như các DN chế biến họ phải đáp ứng được tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa. Và tất cả những điều này tích hợp vào hậu cần kinh doanh.
Ông Nguyễn Kim Hùng cho biết thêm, về cơ bản, sàn TMĐT này sinh ra để phục vụ tất cả các thành phần kinh tế, từ hộ kinh doanh cho đến DN và các tổ chức, không giới hạn bất cứ thành phần nào. Sàn này chỉ tập trung vào B2B để kết nối giữa DN với DN. Không có bất cứ một rào cản.
"Tuy nhiên, nếu để XK được và thực hiện giao dịch trơn tru giữa Việt Nam với EU thì cần phải tham gia vào các chương trình, các hiệp hội để đảm bảo các sản phẩm đóng gói theo đúng tiêu chuẩn, nhãn mác, truy xuất được nguồn gốc theo yêu cầu của EU. Và hơn thế là vấn đề hậu kỳ, sau khi giao hàng nhưng DN vẫn phải tuân thủ các quy định của sàn. Đây là điều mà các DN cần lưu tâm", Viện trưởng VIDEM cho biết.
Theo kế hoạch, nếu được sự hỗ trợ tốt từ các cơ quan quản lý, cuối năm nay ba bên sẽ "trình làng" version 1 sàn VEFTA. Với version 1, các DN đều có thể thực hiện được các giao dịch cơ bản về B2B giữa Việt Nam và EU.
"Hi vọng rằng trong khoảng 3 năm tới, chúng tôi sẽ làm xong hệ sinh thái này. Theo đó, người mua hàng châu Âu nhìn thấy diễn biến đơn hàng chi tiết từ ngày gieo mầm, vận chuyển ra sao và đều đạt các tiêu chuẩn của họ ngay từ lúc họ order. Cũng cần nói thêm rằng, chắc chắc sẽ là một quá trình dài hơi để xây dựng hệ sinh thái được cơ bản hoàn chỉnh cho B2B bởi vì rõ ràng đến thời điểm hiện tại mặc dù công nghệ trên thế giới phát triển rất nhanh nhưng một sàn B2B đâu đó vẫn chưa thể có ngay với DN Việt Nam nói riêng và DN toàn cầu nói chung. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên", Viện trưởng VIDEM nói.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo